Những con người thầm lặng nơi Marie Curie mà tôi giữ trong tim...
Có rất nhiều người đi qua cuộc đời mỗi chúng ta. Có người ở lại, có người ra đi. Có người lướt qua như cơn gió nhưng cũng có người gắn bó, đi vào tâm trí, khắc vào trái tim và trở thành một phần quan trọng, ký ức thân thương mà chúng ta đem theo suốt đời. Đối với tôi, kỷ niệm về tuổi học trò gắn liền với ngôi nhà Marie Curie thân yêu, đặc biệt là những con người nơi đây. Họ là những gì thân thuộc nhất trong tuổi thơ tôi, luôn nâng đỡ từng bước chân tôi trên hành trình cuộc đời.
Nhắc đến Marie Curie là nói tới những điều dung dị nhất. Con người trong mái nhà này chân chất nhưng không hề tầm thường. Chính sự mộc mạc, thân thiện ấy là sợi dây kết nối mỗi thành viên để họ thêm gần nhau, thấu hiểu nhau như máu mủ ruột thịt.
“Thầy Khang” - hai tiếng mộc mạc để nhắc tới người thầy Hiệu trưởng đáng kính. Thầy từng chia sẻ: “Tôi không có vinh dự nhận chức vụ cao nào ngoài việc được các học trò gọi là “thầy Khang”. Trong cuộc sống này, những điều thân thuộc, bình dị lại trở nên quý giá hơn bao giờ hết. Tôi nhớ hình ảnh người thầy với vóc dáng nhỏ bé, mái tóc đã bạc màu. Tôi nhớ nụ cười của thầy - nụ cười rất đỗi nhẹ nhàng, nụ cười xuất phát từ trái tim, nụ cười đi sâu vào tâm trí mỗi học trò. Tôi nhớ cả giọng nói trầm ấm, mộc mạc ấy - cách nói chuyện của người lớn tuổi, từ từ và chậm rãi nhưng có khi lại như một bản nhạc du dương, lúc trầm lúc bổng. Thầy giống như luồng ánh sáng diệu kỳ, luôn nghiêm túc nhưng đem lại cho mọi người cảm tình rất thực, cảm giác rất thoải mái. Chiếc kem mát lạnh của tấm lòng, chiếc nem chua rán nóng hổi của tình người, thầy như gửi vào đó tình yêu thương, gửi vào ký ức của bao thế hệ học trò như để các MCer nhớ mãi rằng, “dù có đi đâu về đâu, dù khó khăn thế nào thì ở đây, thầy luôn có kem và nem chua để sưởi ấm tâm hồn các em”. Những cử chỉ rất nhỏ của thầy, tôi sẽ chẳng thể nào quên. Tôi lưu giữ vào trái tim nhỏ bé này và khóa lại để những ký ức về người thầy tận tụy mãi còn đó cùng năm tháng và nhịp chảy cuộc đời.
Đồng hành cùng thầy Khang, cùng biết bao thế hệ học trò là các thầy cô - những người cha, người mẹ dìu dắt chúng tôi suốt chặng đường khôn lớn. Tôi từng nghe ai đó nói rằng: “Một người thầy tốt như một ngọn nến, ngọn nến cháy để soi đường cho người khác” và trong tôi, người thầy đó chính là cô chủ nhiệm. Cô giống như ngọn nến kia, cháy hết mình để tỏa sáng rực rỡ, soi chiếu cho hành trình học tập của chúng tôi. Cô thắp lên ngọn lửa của bản thân bằng thứ nhiên liệu là tình yêu thương đầy ắp, là người nhóm lửa, giữ lửa và truyền lửa cho chúng tôi. Cô dạy học không chỉ đơn thuần là kiến thức trong trang sách mà bằng cả trái tim nóng bỏng nhiệt huyết. Trong cô không hiện hữu cái khô khan của Toán học mà thấm đượm cảm nhận sâu sắc về mọi thứ xung quanh. Với riêng tôi, cảm nhận về cô không chỉ gói gọn trong vài từ: giáo viên tốt, giáo viên giỏi… mà còn nhiều hơn thế. Với những cử chỉ hết mực yêu thương, những lời dạy bảo ân cần, sự quan tâm, lo lắng cho từng bữa ăn, giấc ngủ… mà cô dành cho học trò, xin cho phép tôi được gọi cô bằng từ ngữ thân thương và thiêng liêng nhất: “Mẹ!”.
Những chi tiết nhỏ làm nên vẻ tinh tế của một bức tranh lớn. Với bức tranh Marie Curie cũng vậy, có những người luôn chỉ xuất hiện âm thầm nhưng chúng ta luôn thấy bóng hình của họ phảng phất đâu đây…
Đó là các bác lao công - những con người tận tụy và chăm chỉ. Tôi vẫn nhớ đôi bàn tay cần mẫn ngày ngày đem lại không khí trong lành và thoáng đãng cho ngôi trường này. Họ không hiện hữu trong thế giới của tôi thường ngày nhưng thành quả lao động của họ là những gì chúng tôi được hưởng thụ hôm nay. Sau mỗi ngày học tập, chúng tôi được trở về nhà nghỉ ngơi thì các bác lao công vẫn lặng lẽ dọn dẹp. Trời đã muộn nhưng vẫn thấp thoáng bóng dáng của những áo vàng gầy gò, nhanh nhẹn quét dọn hành lang, lớp học, nhà vệ sinh... Tôi nhớ câu chuyện về một bác lao công ngồi ăn một mình trong ngày đông giá rét. Hình ảnh ấy bỗng khiến tim tôi thắt lại. Tôi muốn nhắn nhủ tới bác rằng, ngày đông lạnh lắm nhưng bác đừng lo, sẽ có những trái tim sưởi ấm nỗi niềm của bác. Marie Curie là một mái nhà đúng nghĩa bởi trong đó luôn có những trái tim yêu thương và trân trọng lẫn nhau. Ngày Trung thu năm ngoái, lớp tôi có món quà tặng các bác. Chỉ là chiếc bánh Trung thu bình dị nhưng chất chứa sự trân trọng và biết ơn dành cho những con người thầm lặng.
Và sao có thể quên được hình ảnh các bác bảo vệ, thầy cô giám thị trong những ngày mưa, tay cầm chắc chiếc ô, vội vã chạy đến xe buýt để che cho từng học sinh khỏi ướt. Vì một lẽ rằng, đối với họ, sức khỏe của học trò quan trọng hơn cả của chính bản thân.
Bắt đầu và kết thúc một ngày tới trường, chúng tôi bắt gặp những con người thầm lặng khác. Đó là các bác lái xe - những người chuyên chở các vị khách đặc biệt từ nhà đến trường và từ trường trở về nhà.
Marie Curie còn mang hơi thở của một mái nhà đúng nghĩa. Điều này được tạo nên bởi hương vị của những bữa - cơm - gia - đình đến từ căn bếp thân thương, từ những đôi tay khéo léo làm ra những món ăn bổ dưỡng, thực đơn canteen phong phú… khiến ai đi xa cũng nhớ.
Con xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tất cả thầy cô, các bác lao công, lái xe, bảo vệ, nhà bếp... - những người đã thầm lặng hy sinh để vun đắp, tạo dựng mái nhà thân thương này. Mong rằng dù dòng chảy thời gian có trôi nhanh đến nhường nào, Marie Curie vẫn thắp lên ngọn lửa đam mê cho mỗi học sinh, vẫn mãi là làn gió đưa những ước mơ của học trò cập bến bờ thành công. Là một học sinh cuối cấp, con trân trọng từng phút giây ở đây và bồi hồi xao xuyến khi nghĩ đến ngày chia xa Marie Curie, xa những con người trong gia đình lớn này. Tuy vậy, con tin rằng, dù thế giới lớn hay nhỏ, thời gian bên nhau dài hay ngắn thì niềm hạnh phúc khi được học tập tại mái trường Marie Curie vẫn luôn tồn tại trong trái tim của mỗi học trò chúng con.
MINH CHÂU
(9G1)
(Tác phẩm đoạt giải Khuyến khích cuộc thi “My school”)