Tìm và giải dạng bài khó, lạ
Lúc này mà bạn vẫn còn tìm những dạng bài tập lạ, khó để giải với quan niệm “thi học kỳ phải học những thứ cao siêu” thì bạn đang lầm to đấy!
Thật ra, thi học kỳ không phải toàn những dạng bài tập khó hay đánh đố như bạn nghĩ. Tuy có một vài câu khó nhưng nó không đóng vai trò quyết định lớn đến điểm số của bạn. Bởi đa số những câu khó, không có nhiều bạn giải được và nó cũng chỉ chiếm tỷ trọng điểm rất nhỏ. Nói như thế không có nghĩa là khi đi thi, gặp những câu quá hóc búa thì bạn được phép bỏ qua dễ dàng nhưng thật sự trong lúc ôn tập, bạn không nên chỉ chăm chăm làm những dạng bài như vậy.
Bạn hãy tập trung vào những dạng bài tập quen thuộc, hệ thống lại những kiến thức cơ bản đã học trong sách giáo khoa. 50% đề thi chỉ gói gọn trong những kiến thức và bài tập cơ bản, phần còn lại là nâng cao hơn nhưng phần lớn cũng chỉ phát triển trên nền tảng kiến thức và các dạng bài tập cơ bản. Hơn nữa, khi vào phòng thi, bạn nên làm đúng những dạng bài, câu hỏi quen thuộc để có thể lấy trọn điểm số của những phần đó, hơn là cứ tập trung giải các bài khó trong khi những câu dễ hơn, chắc ăn hơn thì lại để sai vì bất cẩn,chủ quan.
Còn nếu lực học của bạn thật sự giỏi và có mục tiêu chinh phục điểm 9, điểm 10 thì bạn có thể thử sức với những dạng bài hóc búa, nhưng vẫn phải ghi nhớ: Không được mất quá nhiều thời gian cho việc giải những bài tập này khi chưa chắc chắn hoàn thành xong những dạng bài quen thuộc,căn bản.
Dung nạp nhiều kiến thức mới
Thời gian ôn tập là để bạn hệ thống lại tất cả kiến thức đã được học, chứ không phải nhằm bổ sung thêm quá nhiều kiến thức mới. Nhiều bạn cố gắng đọc thêm sách tham khảo hay bất cứ nguồn tài liệu nào có được mà không cần biết, khả năng đề thi ra những phần kiến thức đó hầu như không xảy ra. Thậm chí nhiều bạn còn cố gắng học cả những dạng bài của các năm trước mà năm nay đã bỏ vì “lỡ đâu vẫn còn thì sao" (!?!).
Lời khuyên dành cho bạn là hãy ôn tập và hệ thống lại những gì đã học hay có thể nhờ thầy cô rà soát những phần bạn chưa nắm rõ. Và khi quyết định tự học thêm những nội dung mới bạn cho là cần thiết thì nên tham khảo ý kiến thầy cô vì có thể nội dung đó không nằm trong đề thi.
Giải tất cả đề thi bạn có
Giải đề thi là một kỹ năng, một khâu quan trọng gần như sau cùng của quá trình ôn thi, giúp bạn thực hành, cũng như rà soát những phần đã học. Nhưng lúc này, bạn không nên tập trung giải quá nhiều đề thi và đặc biệt phải biết chọn đề thích hợp để làm.
Nhiều bạn vì quá lo lắng nên thấy cứ bạn bè nào của mình có đề thi mới là mượn photo để giải. Bạn có thể làm điều này nếu như dư thừa thời gian nhưng trong giai đoạn nước rút này thì không nên. Vì việc giải quá nhiều dạng đề mà không cần biết chúng có phù hợp hay không chỉ làm bạn mất thời gian và rối tung lên. Tâm trạng của bạn có thể tồi tệ hơn, còn kiến thức thì lộn xộn khi bạn chú tâm vào giải những đề thi "vô thưởng vô phạt" ấy.
Do đó, bạn chỉ nên làm thử đề thi của một hay vài năm gần đây để làm quen với cấu trúc đề thi và biết cách phân bổ thời gian làm bài.
Theo Mực tím