Bạn phù hợp với ngành nghề nào? Liệu công việc bạn đang yêu thích có còn trong tương lai? Bạn nên bắt đầu từ đâu để theo đuổi đam mê?... Tất cả vướng mắc về hướng nghiệp của MCer sẽ được các chuyên gia phòng Tham vấn học đường “gỡ rối”. Chỉ cần bạn không ngần ngại hỏi, chuyên gia sẽ sẵng sàng giải đáp.
Làm sao để em có thể định hướng nghề nghiệp khi không biết mình muốn gì và giỏi ở lĩnh vực nào? (Gia Bách, 12P2)
Câu hỏi của em cũng là thắc mắc của nhiều học sinh lớp 11, 12 chuẩn bị bước vào giai đoạn lựa chọn ngành nghề. Đúng như em nói, muốn biết mình phù hợp với công việc nào, trước hết phải hiểu rõ mình thích gì, có năng lực ở lĩnh vực nào.
Sở thích, tài năng, điểm mạnh và điểm yếu của mỗi người khác nhau. Có người thích làm việc chi tiết với máy móc, dụng cụ…; phù hợp với ngành nghề kỹ thuật. Có người thích quan sát, tìm tòi, phân tích, đánh giá hoặc giải quyết vấn đề. Một số khác có khả năng nghệ thuật, sáng tạo, trực giác và thích môi trường sáng tạo, linh hoạt. Người sở hữu tố chất quản lý sẽ thích làm việc với nhiều người, có khả năng tác động, thuyết phục, lãnh đạo hoặc quản lý mục tiêu của tổ chức, lợi ích kinh tế.
Trên đây chỉ là một số gợi ý giúp em có thể tự nhận diện được bản thân là người như thế nào, qua đó định hướng một số lĩnh vực nghề nghiệp yêu thích. Tuy nhiên, để lựa chọn đúng ngành nghề, em cần hiểu rõ năng lực, mong muốn của bản thân, cũng như nhu cầu của xã hội. Điều quan trọng hơn cả chính là rèn luyện thái độ làm việc, tư duy đúng đắn.
Các học sinh lớp 11, 12 thường tham gia làm bài test khám phá tính cách, định hướng nghề nghiệp như: DISC, MBTI... để hiểu bản thân hơn. Sau đó, các bạn tìm hiểu ngành nghề hiện có, nhu cầu của bản thân và xã hội từ những nguồn thông tin chính thống hay người thân, người đang làm trong ngành nghề ấy. Cuối cùng là thiết lập kế hoạch và xây dựng lộ trình để đạt mục tiêu. Nếu vẫn cảm thấy mông lung với những lựa chọn của mình, em có thể liên hệ phòng Tham vấn học đường để được tham vấn chuyên sâu về định hướng nghề nghiệp nhé!
Em muốn theo nghề MC nhưng không biết bắt đầu từ đâu? Em nên thi vào trường nào và học hỏi kinh nghiệm ở đâu? (Huyền Linh, 10M)
Chúc mừng em đã tìm được công việc mà bản thân muốn hướng tới! MC là viết tắt của từ “Master of Ceremonies”; chỉ những người linh hoạt, tự tin, có kiến thức rộng và tính khôi hài, thanh nhã khi đứng trước công chúng.
Nếu hiện tại, em muốn học hỏi kỹ năng liên quan đến MC thì có thể tham gia các CLB ngoại khóa tại trường hoặc đăng ký học ở những trung tâm đào tạo ngành này. Sau đó, em hãy thử sức tại các chương trình của lớp, trường để tích lũy kinh nghiệm. Ngoài ra, em nên đăng ký dự tuyển dẫn chương trình cho một vài sự kiện quy mô nhỏ để có thêm trải nghiệm. Việc chuẩn bị những kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp tương lai là điều tốt, tuy nhiên cần cân đối với thời gian học. Vì nghề MC cần người có vốn hiểu biết rộng về cuộc sống và kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề. Việc nắm vững kiến thức cơ bản trong môi trường học đường là rất cần thiết để bản thân có cơ sở phát triển kỹ năng đặc thù của nghề MC.
Hiện nghề MC được đào tạo chính quy tại một số trường như: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình 1, ĐH Sân khấu Điện ảnh, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tùy vào năng lực học tập và điểm đầu vào của từng trường mà em đăng ký nguyện vọng, cũng như lựa chọn khối thi phù hợp. Chúc em thực hiện được ước mơ của mình!
Em muốn học ngành Truyền thông. Em đã tìm hiểu trên mạng Internet nhưng lượng thông tin quá nhiều, khiến em bị nhiễu. Em muốn biết công việc này đòi hỏi những tiêu chí nào ạ? (Minh Hoàng, 12E5)
Truyền thông hiện là một trong những ngành “hot” và nhận được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Bản thân từ “Truyền thông” và ngành Truyền thông cũng có nhiều cách tiếp cận, cũng như vị trí công việc. Hiểu một cách đơn giản, nếu theo học ngành này, em sẽ làm việc liên quan đến thông tin đối ngoại, báo chí, ngoại giao, quan hệ công chúng, truyền thông - marketing… Tùy thuộc vào vị trí và định nghĩa “nhân viên truyền thông” tại mỗi công ty, tổ chức... mà công việc này có mô tả chi tiết khác nhau.
Ví dụ:
- Xây dựng kế hoạch, chiến lược truyền thông để quảng bá thương hiệu và tiếp cận đối tượng, mục tiêu.
- Sáng tạo nội dung và hoàn thành sản phẩm truyền thông, điều phối các hoạt động xây dựng sản phẩm: kịch bản, bài viết cho website, mạng xã hội…
- Tổ chức sự kiện, quản lý các khâu vận hành chăm sóc đối tượng mục tiêu và giám sát sự kiện…
Ngành Truyền thông thường xét tuyển khối A, A1, C và D1; đặc biệt là khối C, D1. Theo học ngành này, sinh viên sẽ được tìm hiểu nhiều lĩnh vực như: văn hóa, xã hội, kinh tế… và đào tạo nhiều kỹ năng như: thuyết trình, xây dựng kế hoạch, báo chí, tổ chức sự kiện…
Rất nhiều trường ĐH, CĐ tại Hà Nội đã phát triển các chương trình đào tạo chuyên nghiệp về ngành nghề này như: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Ngoại giao, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Văn hóa… Em còn có thể tìm hiểu thông tin về các trường quốc tế nếu mong muốn du học.
Em có hứng thú với ngành Tâm lý. Em muốn biết hiện có cơ sở giáo dục nào đào tạo về ngành này và gồm chuyên ngành gì? Làm thế nào để em giữ vững niềm say mê với công việc ấy? (Nhật Linh, 11E3)
Ngành Tâm lý đang chứng minh được tầm quan trọng và giá trị trong những năm trở lại đây. Hiện các cơ sở giảng dạy chương trình tâm lý học chuyên sâu tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; chẳng hạn như: ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Giáo dục, ĐH Sư phạm… Cụ thể, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đang đào tạo 4 chuyên ngành: Tâm lý học lâm sàng, Tâm lý học tham vấn, Tâm lý học xã hội và Tâm lý học kinh doanh. Sinh viên ngành Tâm lý học sau khi ra trường sẽ làm được hầu hết công việc liên quan đến xã hội và con người.
Muốn giữ niềm say mê với công việc này, em cần biết mình muốn theo chuyên ngành nào, tìm hiểu yếu tố cần và đủ để học hỏi, thực hành lý thuyết trong cuộc sống. Khi thấy mình có năng lực chuyên môn tốt, giúp đỡ được nhiều người, giải quyết nhiều nhiệm vụ của công việc, em sẽ cảm nhận mình là người có giá trị. Đây là yếu tố giúp em nuôi dưỡng đam mê không chỉ với tâm lý học mà hầu hết nghề nghiệp sau này.
Hơn nữa, tâm lý là một nghề đặc thù vì tùy thuộc vào lĩnh vực mà mỗi công việc của em sẽ có màu sắc khác nhau. Ở đó, em được làm việc với con người và góp phần làm cho thế giới trở nên tốt hơn. Công việc này cũng có rất nhiều khó khăn: phải dẹp bỏ sự phán xét, làm việc dựa trên đạo đức và nguyên tắc nghề… Nhưng mỗi người mà em gặp, mỗi hoạt động mà em thực hiện… chính là những điều giữ lửa cho đam mê của em. Chúc em can đảm với sự lựa chọn của mình và trở thành một nhà tâm lý trong tương lai!
“Bí kíp” lựa chọn đúng ngành nghề Để chọn đúng ngành nghề, học sinh nên dựa trên năng lực, sở trường, đam mê của mình. Theo Thạc sỹ Phạm Mạnh Hà (khoa Tâm lý, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn), bạn có thể tham khảo 3 nguyên tắc sau: Nguyên tắc 1: Không chọn nghề mà bản thân không yêu thích. Nếu không thích nghề đó, bạn rất dễ từ bỏ và khó hình thành được lý tưởng nghề nghiệp. Hãy xem xét bản thân thích gì trước khi chọn nghề nhé! Nguyên tắc 2: Không chọn nghề mà bản thân không đủ điều kiện về tâm lý, thể chất để đáp ứng yêu cầu công việc. Vì nhiều khi chạy theo điều đó, bạn sẽ thấy thất vọng, tốn kém thời gian và sức lực. Nguyên tắc 3: Không chọn nghề nằm ngoài kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Đây là yếu tố khách quan mà bạn phải tính đến, nếu không thì sau khi học nghề, rất khó xin được việc làm. Nếu một nghề sắp được thay thế bằng nghề khác thì bạn không nên theo đuổi. |