Trường Marie Curie được yêu thích không chỉ bởi môi trường học tập lý tưởng mà còn vì sở hữu không gian kiến trúc độc đáo với nhiều điểm “check in” tuyệt vời. Trong đó, khu vực tượng đài bà Marie Curie là điểm đến không thể bỏ qua.
1. Năm 2017, tượng đài bà Marie Curie được xây dựng đúng dịp kỷ niệm 25 năm thành lập trường. Đến nay, cộng đồng MC vẫn không quên không khí thiêng liêng, trang trọng của lễ khánh thành ấy. Vân Giang (9P1) nhớ lại: “Hôm đó, lớp mình vinh dự được tham gia buổi lễ. Các thầy cô mặc lễ phục, còn chúng mình khoác lên người bộ đồng phục MC. Chúng mình đi theo hàng, mỗi người cầm một nhành hoa cúc, đặt lên bục thềm trước bức tượng. Giờ đây, mỗi lần xuống khu vực bể cá, ngắm nhìn tượng bà, ký ức đẹp ấy lại hiện về rõ nét trong tâm trí mình”.
Theo KTS. Lê Duy Khoa - người lên ý tưởng thiết kế bức tượng, ngay từ khi xây cơ sở Mỹ Đình, thầy Khang và KTS. đã có ý định dựng tượng đài bà Marie Curie. “Ngày đó, chúng tôi dự định đặt tượng ở quảng trường, trước bức tường khắc tiểu sử của bà. Nhưng sau 4 năm cơ sở 1 đi vào hoạt động, chúng tôi nhận thấy, khu vực bể cá rất được cộng đồng MC yêu thích. Mọi người xem đây là nơi nghỉ ngơi bởi không gian mát mẻ và khung cảnh lãng mạn. Do đó, chúng tôi quyết định đặt tượng đài tại đó để ai cũng có thể ngắm nhìn và biết nhiều hơn về bà Marie Curie”, KTS. cho biết.
Nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn là người trực tiếp chế tác bức tượng. Chú tiết lộ: “Quá trình thực hiện bức tượng là kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp của tôi. Ngay từ khi nhận bản phác thảo thiết kế, tôi đã cảm thấy rất vinh dự và thích thú. Tôi nghiên cứu rất kỹ cuộc đời của bà và tìm hiểu về sự phát triển của trường MC. Tôi và KTS. Duy Khoa mong muốn tạo ra một sản phẩm hoàn hảo và phù hợp nhất dành cho mái trường mang tên bà. Ban đầu, chúng tôi thử làm nhiều mô hình bằng đất sét với tỉ lệ 1:10. Chúng tôi cũng tham khảo, nghiên cứu nhiều tượng đài trên thế giới để có thể làm nên bức tượng bà Marie Curie độc đáo và ý nghĩa nhất”.
2. Từ đó đến nay, khu vực tượng đài bà Marie Curie đã trở thành điểm “check in” yêu thích của MCer. Vy Anh (9M1) vui vẻ nói: “5 năm theo học MC, mình có nhiều thời gian khám phá những góc đẹp nhất của trường. Trong đó, mình rất thích khuôn viên bể cá và tượng đài bà Marie Curie. Bởi ở đó có tiếng nước chảy róc rách, lại có cây cối xanh tốt, vô cùng thơ mộng. Mình nhớ như in lần phu nhân Tổng thống Ba Lan - bà Agata Kornhauser Duda tới thăm trường và trang trọng đặt hoa trước tượng đài. Khoảnh khắc đó thật xúc động. Đặc biệt, mình vừa bất ngờ vừa thích thú khi trở lại trường sau đợt nghỉ dịch Covid-19 và thấy bức tượng được đeo khẩu trang để tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Theo mình, không chỉ dừng lại ở một tác phẩm cầu kỳ và mang tính biểu tượng cao, tượng đài bà Marie Curie còn trở nên rất gần gũi và được thầy trò MC dành cho tình cảm đặc biệt”.
Với Vân Giang, tượng bà Marie Curie là một trong những dấu ấn nổi bật mỗi khi nhắc đến ngôi trường này. Hơn nữa, khu vực đó còn ghi lại biết bao kỷ niệm của Vân Giang cùng bạn bè. Sau những buổi tập bóng mệt nhoài, các bạn thường ra chốn đó để nghỉ ngơi. Hay những lần tập văn nghệ xuyên trưa, các bạn tranh thủ tới nơi này để giải lao… Còn Ngọc Linh (11E3) cho rằng: “Đây là địa điểm khó quên và không thể thiếu trong danh sách chốn “sống ảo” tại MC. Vào những buổi chiều, thay vì học Thể dục giữa trời nắng nóng, chúng mình được rèn luyện sức khỏe trong không gian thoáng mát ở đây. Nhưng có lẽ, kỷ niệm khiến mình nhớ nhất là khi trở lại trường sau 3 tháng nghỉ dịch, thấy tượng đài Marie Curie cũng đeo khẩu trang. Đó giống như lời nhắc nhở của nhà trường tới học sinh về việc tự bảo vệ bản thân trước dịch bệnh nguy hiểm. Sau này ra trường, mình sẽ luôn nhớ, tự hào về MC và cả tượng đài đặc biệt mà không nơi nào có”.
3. Không chỉ học trò mà các thầy cô, CMHS đều ấn tượng sâu sắc với tượng đài bà Marie Curie. Thầy Trần Khánh (GV Mỹ thuật) cho biết: “Bức tượng mang màu sắc trầm ấm. Khuôn mặt của bà được tạo hình với những chi tiết sắc nét, từ ánh mắt cho đến mái tóc. Phần thân tượng gồm những nếp váy với đường nét chắc khỏe. Nhà điêu khắc đã tính toán thật khéo léo khi tạo hình dáng đứng của bà, nét cong của váy, nét thẳng của cánh tay cầm trọn khối tinh thể Poloni vuông vắn. Tượng đài của bà như hòa mình vào thiên nhiên, như thổi hồn vào những bài học của học sinh trường MC”.
Thầy Mạnh Hùng (GV Lịch sử) chia sẻ: “Lịch sử đã chứng minh, Marie Curie là nữ bác học vĩ đại. Ngắm nhìn bức tượng uy nghi, tôi thấy rõ nét quyến rũ, nhẹ nhàng nhưng không kém phần mạnh mẽ, cứng cỏi của người phụ nữ đẹp nhất mọi thời đại”.
Cô Phương Trang (mẹ của Ngọc Linh, 7I2; Bảo Ngọc, 5P2 và Mạnh Thắng, 2I) tâm sự: “Ngày dẫn con tới trường tham quan, gia đình tôi đã đứng lặng rất lâu trước tượng đài bà Marie Curie. Một bức tượng uy nghiêm, sừng sững. Chị cả Ngọc Linh vốn là học sinh của trường háo hức giới thiệu với hai em về tiểu sử của nhà bác học: “Bà là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới vinh dự được nhận 2 giải thưởng Nobel ở lĩnh vực Hóa học và Vật lý. Bà cũng là nữ giảng viên đầu tiên của ĐH Paris, là người tìm ra nguyên tố Polonium và Radium. Chị em mình nhớ luôn dũng cảm, cố gắng theo đuổi ước mơ đến cùng như bà nhé!”. Nghe con trò chuyện, tôi nhận ra, phải yêu trường lắm thì con mới hãnh diện, hào sảng truyền cảm hứng cho các em như vậy. Đến giờ, mỗi khi có dịp tới trường, đứng trước tượng bà, lòng tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc tự hào, trân quý”.
Chú Hồng Nguyên (bố của Tiệp Quyên, 9P1 và Diệp Trang, 7I1) kể, từ lớp 2, con gái đã thần tượng bà Marie Curie. Được cho mượn một cuốn sách về cuộc đời bà, con đã nhờ mẹ phô tô để đọc hàng đêm trước khi đi ngủ. Sau đó, con tự viết những cảm nghĩ hồn nhiên, trong trẻo của mình vào đó. Đến lớp 3, con đã tự tìm đọc hết sách giáo khoa Hóa học lớp 8 vì quá hâm mộ bà. Con bảo, ngày trở thành MCer, được học ở ngôi trường mang tên người phụ nữ vĩ đại ấy là ngày hạnh phúc nhất của con. “Tôi nhận ra, một trong những mục tiêu quan trọng của giáo dục là để con trẻ hướng đến những thần tượng khoa học đích thực trên thế giới. Giống như thế hệ chúng tôi thích thú với bộ sách “Cuộc đời và sự nghiệp của những danh nhân thế giới” hay sự tò mò của tôi lúc bé khi xem tấm phù điêu nhà khoa học Friedrich List mà bố mang về sau quá trình nghiên cứu tại Đức. Nó đẹp và gợi lên niềm khát khao tìm tòi, khám phá cho một đứa trẻ. Khi dạo bước trên những con đường ở một số nước, tôi thường thấy những bức tượng có vẻ tôn nghiêm nhưng trông vẫn bình dị, gần gũi. Vì vậy, khi trường MC xây dựng tượng bà Marie Curie vào dịp kỷ niệm 25 năm thành lập, tôi đánh giá rất cao ý tưởng văn minh này”, chú nói.
Những ngày chuẩn bị khánh thành tượng đài, chú Hồng Nguyên và hai con cùng thi nhau đoán xem bức tượng trông như thế nào. Liệu có phải là một bức tượng bán thân như những tác phẩm điêu khắc khác về bà từng có trên lãnh thổ Việt Nam? Hay là mô phỏng bức ảnh nổi tiếng chụp lại khoảnh khắc bà giơ cao lọ thí nghiệm? Chú Hồng Nguyên cho rằng, vị trí đặt bức tượng là một sự lựa chọn đúng đắn. Bởi theo quan sát của chú, bể cá là khu vực gắn liền với nhiều hoạt động của học trò - nơi hẹn gặp nhau, tập bóng, đứng chờ trước giờ lên sân khấu biểu diễn. Do vậy, bức tượng nằm ở vị trí trang trọng nhưng lại rất gần gũi.
Ngày ra mắt bức tượng, ba bố con chú không khỏi trầm trồ, nhất là khi thấy trên tay bà là nguyên tử Polonium. Việc chọn khối lập phương để bà cầm ở tay rất đẹp về mặt thẩm mỹ và có tính biểu tượng cao. Kết hợp tổng hòa và duyên dáng với quang cảnh bể cá, bức tường phía sau, tượng đài có kiến trúc đường chéo, khác với kết cấu tượng vuông vức và thẳng thông thường.
Chú tâm sự thêm: “Trong đợt Covid-19, có nhiều bức ảnh trên thế giới về sự cô đơn đến không lời nhưng lại chứa đựng sự kiên định và quyết tâm của nhân loại. Bức ảnh tượng bà Marie Curie đeo khẩu trang được nhà trường đăng lên fanpage thật sự truyền tải thông điệp ý nghĩa, có sức nặng. Tôi tin rằng, tại nơi MCer vui chơi, sinh hoạt và nghỉ ngơi hàng ngày này, các con đã được giáo dục một cách sâu sắc, đầy nhân văn về tinh thần Marie Curie”.