Tôi nhớ những ngày mùa thu nắng vàng như mật và vòm trời xanh ngắt trên cao, chứ không phải là làn sương bụi giống lớp chăn dày như bây giờ. Tôi chợt hiểu rằng, mái nhà chung mà chúng ta có cũng từng rất xanh tươi, đẹp đẽ ở thời chưa xa lắm thì nay dần thay đổi cho đến khi chính chúng ta còn không nhận ra được nữa...
1. Amazon là khu rừng nhiệt đới lớn nhất Trái đất. Theo thống kê, khu rừng mưa ở Nam Mỹ này có tổng diện tích gấp đôi đất nước Ấn Độ và sản sinh gần 20% lượng khí oxy trong khí quyển Trái đất. Đây là quê hương của khoảng 2,5 triệu loài côn trùng, hàng chục nghìn loài thực vật và khoảng 2.000 loài chim, thú. Một số nhà khoa học ước tính, 1km² ở nơi này có thể chứa trên 75.000 kiểu cây gỗ và 150.000 loài thực vật bậc cao. Tạp chí Báo cáo Khoa học của Mỹ cho biết, cần tới hơn 300 năm nữa mới có thể thống kê đầy đủ và chính xác toàn bộ các loài thực vật trong rừng Amazon.
Nhưng với tình trạng cháy rừng tăng mạnh thời gian gần đây, có lẽ không cần đến 300 năm nữa để các nhà khoa học thống kê đầy đủ các loài thực vật ở rừng Amazon. Bởi người ta sẽ ưu tiên thống kê trước có bao nhiêu giống loài biến mất trong hệ sinh thái tại đây sau thảm họa cháy rừng. Những ngày tháng 8, tôi tình cờ đọc được trên trang Facebook của một người bạn rằng: “Điều làm tôi thấy đau đớn nhất là khi biết tin, vụ cháy đã diễn ra suốt mấy tuần qua”. Bên dưới là hình ảnh cánh rừng bốc cháy đỏ lửa với những cuộn khói nổi lên, là bầu trời ở thành phố cách xa Amazon cũng bị khói từ đám cháy rừng che phủ đen kịt. Tôi dừng lại ở bức ảnh chụp một góc rừng sau đám cháy. Nơi đó từng là khoảng rừng mưa xanh tươi, ríu rít tiếng muông thú thì giờ chỉ còn là một khoảng không im ắng. Không có gì còn lại ngoài mẩu gỗ cháy nham nhở - dấu vết sót lại của một cái cây. Tôi thương tiếc cánh rừng dẫu nó ở rất xa tôi như thương tiếc ngôi nhà cho mình trú chân qua mưa giông, nắng lửa mà nay không còn.
2. Việt Nam cũng vừa trải qua đợt cháy rừng lớn ở miền Trung, kéo theo hệ lụy là thiệt hại không nhỏ về người và của, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Điều đáng buồn hơn là ở đồng bằng sông Cửu Long, mặc cho sự trông chờ mòn mỏi của người miền Tây thì năm nay, mùa lũ lớn tiếp tục không về - điều không còn xa lạ trong những năm gần đây. Gương mặt của những người nông dân vốn khắc khổ giờ lại càng ảm đạm, héo hon. Nhìn hình ảnh họ đứng trơ trọi giữa thửa ruộng cằn khô, đầy vết nứt với những cây lúa xác xơ nay đã thành rạ và những con tôm bé xíu không thể lớn nổi..., khó ai không thể ngậm ngùi!
3. Biến đổi khí hậu, thảm họa tự nhiên không còn là vấn đề của riêng quốc gia, dân tộc nào. Con người sống trên Trái đất, dựa vào tự nhiên, khai thác tự nhiên và đồng thời làm tự nhiên bị thương tổn. Nhưng tự nhiên lại không thể cất tiếng nói mà chỉ biết chịu đựng sự tàn phá của con người. Ngày bé, tôi vẫn nghe bà nội kể, trong những cây cổ thụ có những vị thần trú ngụ. Nếu mất rừng, mất cây thì những vị thần ấy sẽ bơ vơ và giáng họa lên những kẻ gây ra nông nỗi ấy. Tôi không nghĩ đó chỉ là câu chuyện cổ tích dành cho lứa tuổi Mẫu giáo. Nó là lời răn đe thầm kín của ông bà ta về việc phải giữ gìn, bảo vệ tự nhiên. Bởi đó không chỉ là nơi trú ngụ của những vị thần mà còn là cội nguồn cho sự bình an, yên ổn, ấm no và thịnh vượng của con người.
Tôi yêu ngôi nhà của mình, em cũng yêu ngôi nhà của mình. Đi đâu xa, chúng ta cũng mong được trở về nhà. Nhưng có khi nào chúng ta quên đi ngôi nhà chung Trái đất? Và chúng ta cũng xao lãng việc quan tâm, chăm chút cho ngôi nhà đó, thậm chí để mặc cho những người khác ngang nhiên tàn phá?
Những ngày trời nóng, đi trên con đường sực mùi nhựa khét lẹt, tôi nhớ đến bóng mát của những cái cây từng ở đó. Những chặng đường xa, tôi nhớ về dòng nước mát lành của con suối nhỏ từng chảy róc rách ven đường suốt bao năm mà giờ im tiếng. Tôi cũng nhớ những ngày mùa thu nắng vàng như mật và vòm trời xanh ngắt trên cao, chứ không phải là làn sương bụi giống lớp chăn dày như bây giờ. Tôi chợt hiểu rằng, mái nhà chung mà chúng ta có cũng từng rất xanh tươi, đẹp đẽ ở thời chưa xa lắm thì nay dần thay đổi cho đến khi chính chúng ta còn không nhận ra được nữa. Không, tôi sẽ không đợi đến lúc mất đi mái nhà Trái đất mới giật mình thảng thốt, ngỡ ngàng. Không đợi đến khi mất đi tất cả bóng cây mới ngồi tiếc nhớ những cái cây. Tôi nghĩ dù ít hay nhiều, ai cũng có thể giữ gìn và tô điểm cho Trái đất bằng những điều bé nhỏ mà ý nghĩa như bớt dùng một chiếc túi nilon, một ống hút nhựa hoặc đi xe công cộng... Điều quan trọng nhất là thay vì chỉ ngồi và tiếc nhớ, chúng ta cần làm một điều gì đó, dẫu là nhỏ để cho Trái đất vốn xinh đẹp không thể xấu xí hơn.
Em có làm gì đó cùng tôi không?
UYÊN MAI