Rất nhiều MCer bày tỏ sự thích thú với các trang mạng xã hội như: Facebook, Twitter, Instagram, Snapchat... Mỗi bạn có những cách tiếp cận riêng mạng xã hội nhưng hầu hết đều hướng tới mục tiêu tham gia cộng đồng mạng một cách lành mạnh và tích cực.
Thành Long (8P3) tham gia mạng xã hội từ năm 2014 qua giới thiệu của bạn bè và bố mẹ. Mỗi ngày, cậu ghé thăm các trang mạng 1 - 2 lần. Cậu cảm thấy thuận tiện, hứng thú khi “lướt” Facebook (FB) và thường đăng tải những dòng trạng thái, “post” các bài viết cá nhân. Thành Long xác định việc này chỉ mang tính giải trí nên không bị ảnh hưởng quá nhiều khi không dùng mạng xã hội. Cậu cũng luôn cố gắng xác thực các thông tin trên đó. “Đối với những thông tin bổ ích hay mang tính chất giải trí, mình thường bình luận và chia sẻ với mọi người. Trước đó, mình tìm hiểu nhiều nguồn để đánh giá những thông tin đó đúng hay sai, phù hợp hay không”, cậu chia sẻ.
Diệp Anh (9I2) bắt đầu sử dụng FB năm lớp 6. Cô bạn cho biết: “Mình biết đến FB qua chị mình và các bạn cùng lớp. Mình thường “lướt” FB lúc nghỉ ngơi ở nhà. Thời gian đầu vì tò mò nên mình tốn khá nhiều thời gian vào nó. Nhưng mình dần ý thức hơn và hiểu ra, mạng xã hội thực chất chỉ là công cụ giải trí, không có thì mình vẫn sống tốt”. Diệp Anh nói thêm, mạng xã hội có rất nhiều tin nhiễu nên người sử dụng phải biết tinh lọc và theo dõi các thông tin đáng tin cậy. Những điều bổ ích như: mẹo vặt bếp núc, ý tưởng tái chế sáng tạo hay “bí kíp” học tập… đều được cô bạn lưu lại để học theo. Tuy chưa bao giờ bị “hack” tài khoản hay gặp nguy hiểm khi sử dụng mạng xã hội nhưng theo Diệp Anh, người dùng cần trang bị những kiến thức về an ninh mạng. Đồng thời, khi sử dụng FB, bạn cần tìm hiểu và tạo lập các chính sách bảo mật để bảo vệ thông tin cá nhân.
Mỹ Châu (9M2) xem mạng xã hội là nơi có thể tìm được những người quen cũ. Hơn nữa, nhờ sự kết nối không giới hạn mà Mỹ Châu có thêm nhiều bạn bè ở khắp nơi trên thế giới. Còn với các thông tin trên đó, cô bạn chỉ theo dõi những điều bản thân quan tâm, chứ không bình luận hay bày tỏ thái độ gì cả.
Không chỉ các cá nhân mà nhiều lớp, nhóm học sinh ở MC cũng sử dụng mạng xã hội để trao đổi, làm việc. Nhiều bạn cho biết: “Vào dịp thi cử, nhóm “chat” của lớp rôm rả lắm! Chúng mình bàn luận sôi nổi các cách ôn luyện sao cho hiệu quả nhất. Những cách giải bài tập hay cũng được cập nhật nhanh chóng, thường xuyên. Việc có thể trao đổi với bạn bè những vấn đề khúc mắc giúp chúng mình giảm bớt sự căng thẳng”. Nhiều cha mẹ cũng thường nắm bắt thông tin về con cái thông qua hệ thống mạng xã hội của lớp, trường. Họ xem đây như là cuốn nhật ký online hàng ngày của con ở MC.
Bên cạnh những MCer biết cách sống thông minh trên thế giới ảo thì vẫn còn bạn mơ hồ khi dùng mạng xã hội. Không ít bạn quá xem trọng việc “lướt” FB và thấy khó chịu nếu một ngày không sử dụng. “Từ lúc tham gia thế giới ảo, chúng mình có thói quen cứ cầm điện thoại là vào mạng Internet. Những lần đi chơi cùng bạn bè, mỗi người lại dán mắt vào màn hình điện thoại, “lướt” mạng xã hội. Chúng mình mải dõi theo những lượt like, thả tim của nhiều người không quen mà quên quan tâm đến người bên cạnh”, một “cư dân” MC tiết lộ.
Theo nghiên cứu mới đây của Giáo sư Tâm lý Jean Twenge (ĐH San Diego, Mỹ), hạnh phúc sẽ dễ đến với những người tham gia câu lạc bộ thể thao, thường xuyên gặp gỡ bạn bè. Nhưng điều đó lại không dễ dàng với những ai dành nhiều thời gian cho game máy tính và mạng xã hội.
Bà Melinda Gates, vợ của tỉ phú Bill Gates có 3 con sinh sau 1995 cho rằng, bản thân điện thoại, ứng dụng mạng xã hội không xấu nhưng sẽ xấu khi học sinh chưa được chuẩn bị và trang bị đầy đủ kỹ năng để thích nghi, điều tiết niềm đam mê. Khi đó, chúng là lực cản cho sự phát triển bình thường. Ngược lại, học sinh có thể học được rất nhiều điều bổ ích trên “smartphone” và được kết nối với thế giới theo phương thức mới vào mọi lúc, mọi nơi.
“Bí kíp” sống thông minh trên thế giới ảo Thạc sĩ Tâm lý Đỗ Trang (Phòng Tham vấn học đường Marie Curie) cho biết, trong số những học trò tìm đến nhờ tư vấn thì ít nhiều đều liên quan tới mạng xã hội. Đa số MCer đều tham gia tích cực, cởi mở và mong muốn được thể hiện cảm xúc cá nhân trên mạng xã hội nhưng không phải bạn nào cũng ứng xử đúng cách, phù hợp. Có bạn bị tổn thương tâm lý do nghĩ bị bôi nhọ trên FB về thái độ, hành vi hàng ngày của mình. Một số bạn lại lạm dụng mạng xã hội và khó kiểm soát thời gian của bản thân. Đồng thời, nhiều bạn chia sẻ mong muốn bố mẹ không nên quy chụp mạng xã hội là hoàn toàn xấu và ép buộc con từ bỏ mà nên đồng hành, cung cấp các phương pháp để giúp con giảm thiểu các vấn nạn từ mạng xã hội. Cô cũng chia sẻ với nhiều CMHS rằng, trước kia bố mẹ vượt khổ đã khó, nay học sinh vượt sướng còn khó hơn nhiều lần. Để đánh giá thái độ và cách ứng xử của con thì bố mẹ cần có cái nhìn nhiều chiều và đặt trong bối cảnh thực tế; đồng thời cần trang bị cho con những kiến thức, phương pháp làm chủ mạng xã hội để con phát triển an toàn và dùng mạng này như một công cụ hữu hiệu. Cô đưa ra một số cách xử lý nếu MCer rơi vào tình huống bị bôi nhọ hoặc nghiện mạng xã hội như sau: * Khi bị bôi nhọ: Tùy từng mức độ để MCer đưa ra cách giải quyết: - Có thể lưu lại các bằng chứng. - Tuyệt đối không trả lời hoặc tham gia bình luận vì điều này sẽ dẫn đến việc lan truyền tin tức nhanh tới chóng mặt. - Nếu ở mức độ nghiêm trọng thì cần thông báo đến cơ quan chức năng hoặc báo cáo cho công ty FB biết hình ảnh cá nhân bị xâm phạm để yêu cầu xóa đi. Hiện tại, pháp luật Việt Nam đã có chế tài xử lý các hành vi vi phạm. Điều 32 của luật Dân sự năm 2005 quy định rất rõ về việc sử dụng hình ảnh cá nhân, đặc biệt với người dưới 15 tuổi.
* Khi bị nghiện mạng xã hội: Nghiện và lạm dụng là hai vấn đề khác nhau. Nghiện là tình trạng sử dụng 4 - 5h/ngày, liên tục trong 3 tháng và tăng dần theo thời gian, nếu không có mạng thì thấy bứt rứt, không làm được gì. Cụ thể: sử dụng nhiều hơn mức bình thường, luôn bận tâm tới mạng xã hội, cố gắng ngừng/giảm mức độ sử dụng nhiều lần mà không thành công, mất hứng thú với hoạt động khác, nói dối về thời lượng sử dụng… Vậy MCer cần làm gì để giảm thiểu và kiểm soát điều này? - Không nên đăng dòng trạng thái nào trên mạng xã hội. - Không lướt mạng xã hội. Để thực hiện hai quy tắc này, “cư dân” MC nên kiểm tra xem ứng dụng nào được sử dụng nhiều nhất, gỡ bỏ các ứng dụng, hứa với bạn bè và người thân về việc cai nghiện, kiên trì và cố gắng thực hiện việc “cai nghiện”, dành thời gian cho hoạt động giải trí lành mạnh như: thể thao, du lịch… Theo số liệu thống kê, Việt Nam có 45,5 triệu người dân dùng mạng Internet, chiếm 48% dân số (tính đến hết tháng 6/2015). Mạng xã hội không xấu nếu chúng ta có kiến thức, kỹ năng và bản lĩnh khi sử dụng. MCer cần nắm rõ những “bí kíp” sau: 1. Thiết lập chế độ riêng tư: Bạn nên cài đặt chế độ này để chỉ bạn bè mới có thể đăng thông tin và xem tin mà bạn chia sẻ trên mạng xã hội. 2. Cân nhắc trước khi đăng bài: Suy nghĩ kỹ trước khi điền vào các mẫu đơn trực tuyến hoặc cập nhật trạng thái, đăng tải ảnh, video của bạn hay bạn bè bởi một khi đã chia sẻ thì rất khó kiểm soát. 3. Tâm sự với người đáng tin tưởng: Việc những người xấu lạm dụng học sinh rất nhiều. Đôi khi vì sợ hãi mà bạn che giấu nhưng chính điều này sẽ làm người xấu càng đe dọa hơn. Vì vậy, khi mạnh dạn chia sẻ câu chuyện với người đáng tin cậy, bạn sẽ tìm được cách giải quyết vấn đề. 4. Sử dụng mật khẩu có độ bảo mật cao: Hãy sử dụng đồng thời chữ hoa, chữ thường, các ký hiệu và các con số trong mật khẩu! Nhớ không chia sẻ mật khẩu với người khác, kể cả bạn thân! 5. Cư xử phù hợp: Luôn hành xử tốt trong môi trường trực tuyến và đối xử với người khác theo cách mà bạn cũng muốn được mọi người cư xử như vậy. Nếu ai nói/làm điều gì đó khiến bạn phật lòng thì đừng trả lời vì có thể làm mọi việc trở nên tồi tệ và gây ra xung đột ở đời thực. Thay vì đáp trả, bạn nên chặn họ (block) trong danh sách bạn bè. |