Tết không chỉ là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ với năm mới mà còn là dịp mọi người cho đi, nhận lại những món quà đong đầy ý nghĩa.
Mình vẫn nhớ như in khoảng thời gian Tết khi ai cũng háo hức, hoan hỉ; nhà nhà ngập tràn tiếng cười và lời chúc mừng năm mới an lành. Tết đến, xuân sang, đứa trẻ nào cũng thích thú được bố mẹ dắt đi mua quần áo mới, đi chúc Tết họ hàng, được nhận những bao lì xì đỏ… Đó cũng là những điều mình mong đợi trong những ngày Tết lúc còn bé.
Mỗi lần nhận được những món quà ấy, mình thường tự nhủ, năm mới là sự khởi đầu mới, một năm phấn đấu nữa đang đón chờ. Mình luôn cảm thấy biết ơn những người thân yêu đã trao cho mình nguồn động viên trong những ngày đầu năm.
Mình nhớ lắm cảm giác sáng mồng 1 năm lên 6 tuổi, bà ngoại tặng mình phong bao lì xì xinh xắn. Đó là lần đầu tiên mình tự tay mở bao lì xì, thay vì được mẹ “giữ hộ” và luôn tò mò không biết bên trong có gì như những năm trước. Lần đầu được tự giữ lì xì, mình thấy vô cùng mừng rỡ, phấn khởi. Tuy số tiền không nhiều nhưng đủ đem lại cho mình niềm vui khó tả ngày đầu năm.
Giờ đây là học sinh cấp 3, thấm thoát đã 10 năm trôi qua nhưng cảm giác hồ hởi của ngày ấy vẫn vẹn nguyên trong mình mỗi khi nhớ về Tết năm đó. Mình như được trở về tuổi thơ, trở lại là một đứa trẻ vô âu vô lo, chỉ mong Tết đến để được đi chơi, mua quần áo mới. Luôn quý trọng phong bao lì xì đầu tiên đó nên mình cất giữ rất cẩn thận trên giá sách.
Sau 10 năm, cảm giác phấn khích mỗi khi Tết về để nhận lì xì vơi bớt đi, thay vào đó là sự háo hức đỡ đần mẹ dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa đồ đạc. Thay vì được lì xì như thời thơ ấu thì giờ, mình lại đem tới niềm vui cho những đứa trẻ.
Trước đêm Giao thừa, mình thường chuẩn bị những bao lì xì rực rỡ sắc màu, in câu đố, hình thù ngộ nghĩnh… và để vào bên trong những tờ tiền mới chứa đựng sự may mắn đầu năm. Mỗi khi gặp trẻ con, mình sẽ tặng ngay. Nhìn nét mặt hân hoan khi nhận lì xì, mình cũng thấy phấn khởi. Mình còn luôn để riêng những bao lì xì cho ông bà, bố mẹ như lời chúc sức khỏe và năm mới an lành tới những người thân.
NGỌC MINH
(10M2)
Đối với mỗi người, Tết luôn là dịp quan trọng. Bởi vào những ngày ấy, mọi người quây quần và cùng nhau đón một năm mới ấm cúng, vui vẻ. Năm nay, tôi 17 tuổi nhưng cảm xúc về cái Tết năm lớp 9 vẫn đọng lại mãi.
Cứ khoảng 26 Tết Âm lịch, gia đình tôi lại chuẩn bị gói bánh chưng. Phần do mẹ muốn anh em tôi hiểu rõ hơn về món bánh truyền thống và đặc trưng của quê hương, phần để gia đình có thời gian tụ tập bên nhau sau một năm dài bận rộn. Nhưng năm ấy đặc biệt hơn cả vì mẹ nói rằng, những chiếc bánh sẽ được tặng cho người có hoàn cảnh khó khăn, người già và trẻ em vô gia cư.
Cả nhà bắt tay ngay vào công việc với những công đoạn quen thuộc như mọi năm. Nhưng khác ở chỗ là trong lòng ai cũng cảm thấy phấn khích lạ thường. Các cô, dì tôi cùng nhau tỉ mỉ rửa từng chiếc lá dong. Chiếc lá nào cũng được chọn lựa kĩ lưỡng, trông xanh tươi và rất đều nhau. Những chiếc lạt buộc bánh còn được mẹ tôi hấp cho mềm để việc gói bánh trở nên dễ dàng hơn. Tiếp theo là khâu chuẩn bị nguyên liệu. Gạo nếp được chọn là loại hạt to, dẻo và tròn đều. Thịt và đỗ xanh cũng đạt chất lượng tối ưu. Cuối cùng, để làm nên hương vị đặc trưng mà không ai có thể quên được trong từng chiếc bánh không thể thiếu các loại gia vị như: hạt tiêu, muối.
Công đoạn chuẩn bị này mất khá nhiều thời gian, chúng tôi phải thức đến khuya mới hoàn thành. Thế nhưng, khi nghĩ tới những người không có chỗ ở, hoàn cảnh kinh tế khó khăn và không được về quê đoàn tụ cùng gia đình, chúng tôi lại nở nụ cười hạnh phúc và cố gắng làm xong việc.
Ngày hôm sau, khi lá đã được phơi khô, cả nhà tôi cùng ngồi gói bánh. Người gói khéo nhất nhà chính là bố. Những chiếc bánh chưng của bố luôn vuông vức, đẹp mắt, lạt buộc rất chắc chắn, gọn gàng, trông chẳng kém cạnh gì những chiếc bánh được bán ngoài hàng. Cứ như vậy, mọi người cùng chung tay làm việc. Từng món quà được gói với rất nhiều tình cảm và cảm xúc. Mường tượng ra nụ cười của họ lúc nhận quà, lòng tôi chợt thấy vui đến lạ.
Hơn 60 chiếc bánh được hoàn thiện và xếp ngay ngắn vào một chiếc nồi lớn. Sau đó, bác tôi nhóm lửa để nấu bánh. Khói bốc nghi ngút, gia đình tôi cùng ngồi quanh nồi bánh để cảm nhận sự ấm áp tỏa ra từ ngọn lửa để xua tan cái lạnh buốt trong tiết trời mùa đông. Nhìn ngọn lửa hồng cháy rực, lòng tôi lại càng cảm thấy hồi hộp vì chỉ tối mai thôi, những món quà ấy sẽ thực sự được hoàn thành.
Ngày 28 Tết, những chiếc bánh xinh xắn, đầy ắp yêu thương đã sẵn sàng để trao tận tay những người có hoàn cảnh khó khăn. Tôi và anh trai lần lượt đặt từng chiếc bánh vào chiếc túi vừa vặn, kèm theo lời chúc Tết và lời động viên họ. Khi đón nhận những chiếc bánh chưng vẫn còn thơm mùi lá giữa đêm đông lạnh buốt, người bỡ ngỡ, người ngạc nhiên, những đứa trẻ thì cười tít mắt...
Được tặng món quà ý nghĩa vào những ngày giáp Tết, ánh mắt họ hiện lên niềm hạnh phúc của sự ấm áp, không khí đoàn tụ và giúp xua tan nỗi cô đơn, cái giá lạnh của mùa đông. Bản thân tôi khi trao đi những món quà ấy cũng nhận lại được niềm hạnh phúc rất to lớn.
PHƯƠNG ANH
(11E2)
Với mình, Tết là ngày đặc biệt nhất trong năm để mọi người có thể ngồi bên mâm cơm, hàn huyên, tâm sự về một năm đã qua. Đây cũng là khoảnh khắc mình mong chờ nhất khi cả gia đình quây quần gói bánh chưng đêm 30 Tết.
Bố mẹ mình trong năm khá bận rộn và không hay ở nhà; nhiều lúc, mẹ đi công tác đến vài tháng, còn bố chỉ tranh thủ về nhà được một chút với hai chị em. Vì vậy, những lúc tất cả thành viên trong gia đình ngồi ăn tối với nhau thực sự là món quà lớn nhất của mình vào dịp Tết Nguyên đán.
Thường đến 20 Tết Âm lịch, bố mẹ sẽ tạm nghỉ mọi công việc để về nhà chuẩn bị đón Tết. Mình nhớ có những năm được đi chơi xa để “hâm nóng” tình cảm gia đình, cũng như để mọi người hưởng trọn vẹn không khí quây quần, tránh xa mọi ồn ào của thành phố và áp lực công việc, học hành...
Bản thân mình và em trai hiểu những bề bộn công việc của bố mẹ nên không hề đòi hỏi và cảm thấy trân trọng những giây phút ấy. Để đáp lại tình yêu thương của bố mẹ, mình thường lấy một phần tiền mừng tuổi để mua tặng mỗi người một món quà nhỏ.
Năm trước, bố mẹ rất thích món quà do mình chuẩn bị: một chiếc cà vạt cho bố và một chiếc khăn tay cho mẹ để nhắc hai người luôn nhớ đến gia đình, có thêm động lực làm việc và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Năm nay kỷ niệm 20 năm ngày cưới của bố mẹ, mình quyết định tặng một món quà to và đặc biệt hơn, hy vọng bố mẹ sẽ thích.
HẠ VY
(12E2)