Dịp Trung thu, chúng mình thấy phố phường trang trí rất nhiều đèn lồng, ông sao. Các cửa hàng bày bán nhiều đồ chơi thủ công như trống, mặt nạ… Nhưng các bạn có biết những thứ quà đáng yêu, xinh xắn ấy có xuất xứ từ đâu không? Các bạn cùng theo mình về thôn Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) để tìm hiểu nhé!
Ở đây, những chiếc mặt nạ được làm bằng giấy bồi và những chiếc trống được làm bằng gỗ rất tỉ mỉ. Bác Võ Huy Đông - một nghệ nhân chuyên làm đồ chơi truyền thống chia sẻ cách làm: “Mặt nạ được làm bằng giấy. Giấy được dán bởi một loại hồ đặc biệt nấu từ bột sắn đun sôi phơi khôi. Sau khi hoàn thành công đoạn dán, các bác thợ lành nghề sẽ tô vẽ trang điểm cho khuôn mặt theo ý muốn, có thể là hình thù con vật, có thể là nụ cười của chú hề…”.
Có tận mắt chứng kiến cảnh các bác ấy thực hiện các công đoạn mới thấy việc làm ra những sản phẩm truyền thống không chỉ cần sự tỉ mỉ, cẩn thận mà còn cả trái tim tâm huyết. Ví như việc làm mặt nạ, để có được khuôn mặt, bác Đông phải làm sẵn một cái khuôn mặt bằng xi măng, sau đó bọc lên một lớp giấy báo để giúp cho giấy bồi không dính vào khuôn. Tiếp đến, bác ấy nhẹ nhàng xếp từng lớp giấy đã phết hồ lên khuôn đó. Cuối cùng là lớp giấy trắng. Công việc nhìn dễ nhưng khi bắt tay làm mới thực sự khó. Bởi bạn phải miết giấy sao cho lộ rõ các góc cạnh của khuôn mặt vừa không để làm rách lớp giấy. Tớ thực sự ấn tượng với đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân.
Còn để làm ra những chiếc trống nhỏ nhắn xinh xắn, người nghệ nhân phải thực hiện 4-5 công đoạn. Đầu tiên phải làm tang trống. Để có một tang trống như ý, các bác đã dùng máy tiện để xẻ gỗ tạo hình rồi đem phơi khô. Sau đó là đến công đoạn bọc da đóng ghim để tạo thành mặt trống. Cuối cùng, các nghệ nhân sẽ quét sơn đỏ một lần nữa để cho chiếc trống bắt mắt nhất. Thú vị hơn cả là khi các bác ấy sắp xếp các tang trống sao cho không bị dính sơn vào nhau. Rất đẹp và khoa học!
Chuyến đi thực tế đó đã cho tớ hiểu thêm được bao điều bổ ích. Tớ không chỉ biết được nguồn gốc các món đồ chơi mình đang chơi mà còn biết quá trình sáng chế ra chúng. Ý nghĩa hơn cả là tớ hiểu thêm được phần nào sự tâm huyết cũng như tình yêu với công việc của các nghệ nhân. Nhờ có họ mà những nét đẹp truyền thống của nước Việt luôn được gìn giữ cho muôn đời sau.
Bài và ảnh: NGUYỆT LINH
(5M2)