Không ít bạn loay hoay tìm lời giải làm sao để bố mẹ thấu hiểu. Trong khi đó, nhiều MCer đã biết cách chinh phục bố mẹ. Cùng lắng nghe chia sẻ của các bạn ấy để tham khảo và tìm cho mình lối đi phù hợp tới trái tim của cha mẹ nhé!
Bố mẹ đáng yêu lắm!
Theo Minh Thư (10E2), việc tâm sự với bố mẹ mỗi ngày không hề khó nhằn. Cô bạn chia sẻ: “Hai mẹ con mình thường xuyên trò chuyện. Từ nhỏ, mình đã có thói quen kể những gì diễn ra trong một ngày cho mẹ nghe vào mỗi tối. Cái gì làm mình vui, điều gì khiến mình buồn, mẹ đều biết. Mẹ luôn lắng nghe và sẵn sàng chia sẻ như một người bạn thân thiết nên mình không thấy ngại ngần khi tâm sự”.
Bố là người luôn được Đức Minh (12G2) gửi gắm tâm tư. Cậu có thể nói với bố mọi vấn đề gặp phải; từ những vướng mắc trong học tập, quan hệ bạn bè hay những lo âu, băn khoăn cho dự định tương lai. Giữa cậu và bố dường như không có rào cản. “Mỗi khi trò chuyện, bố rất chăm chú nghe và đặt mình vào vị trí của người khác. Bố không bao giờ ngắt lời mà luôn để mình nói hết suy nghĩ rồi mới đưa ra lời khuyên. Nhờ thế, mình cảm thấy rất thoải mái và giải tỏa được nhiều áp lực”, Đức Minh nói.
Cả bố và mẹ đều được Diệu Linh (8G2) trao trọn niềm tin. Bởi cô bạn luôn cảm nhận được sự tôn trọng khi tỉ tê cùng họ. Diệu Linh kể: “Mỗi lần nhà mình quây quần, bố mẹ luôn nghiêm túc lắng nghe mình nói. Ánh mắt của họ luôn dõi theo từng câu chữ mà mình thổ lộ. Cử chỉ ấy giúp mình cảm nhận được sự quan tâm của bố mẹ đến những vấn đề của mình. Họ luôn cho mình những lời khuyên, sự khích lệ chân thành và không hề áp đặt. Bố mẹ rất tôn trọng cảm xúc của mình. Cũng có lúc họ yên lặng để mình nhìn nhận lại vấn đề và tự giải quyết. Bất kể là chuyện gì, bố mẹ luôn bình tĩnh, kiên nhẫn và đồng cảm với mình. Điều đó càng làm mình yêu bố mẹ hơn”.
Gia đình của anh Thư
Dù không cùng thế hệ nhưng Anh Thư (8P3) và mẹ vẫn dễ dàng tìm được tiếng nói chung. Cô bạn cho hay: “Mẹ rất tâm lý. Mỗi khi trò chuyện, mẹ đều vui vẻ đón nhận ý kiến của mình. Có lần mẹ lo lắng việc mình tự đi taxi, sẽ gặp kẻ xấu. Tuy nhiên, sau khi nói chuyện thẳng thắn với mình, mẹ đã bớt lo âu và đồng ý cho mình bắt xe”.
Tìm đường tới trái tim
Các MCer cho rằng, mỗi bố mẹ có cách làm, cách nghĩ riêng. Nhưng tất cả có điểm chung là yêu con vô điều kiện. Nếu biết tận dụng điều này, bạn sẽ dễ dàng chinh phục họ.
Theo Minh Thư, để bố mẹ tin tưởng và tôn trọng, trước hết, bạn cũng cần tôn trọng, tin tưởng họ. Trong những cuộc trao đổi, bạn cần cho bố mẹ thấy mình đủ trưởng thành để làm việc đó. Việc chuẩn bị kế hoạch kỹ lưỡng, lường trước những bất cập sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt bố mẹ. Hãy thuyết phục họ bằng sự an toàn, thái độ tự tin, ánh mắt khát khao và niềm yêu thích đối với việc nào đó!
Đức Minh cho rằng, “bí kíp” để cậu “đốn tim” bố mẹ là luôn thể hiện sự tự tin, dám nghĩ, dám làm và không ngần ngại bày tỏ chính kiến. “Mình biết nhiều bạn muốn tâm sự với bố mẹ nhưng sợ họ không hiểu mình, sợ bị mắng… Trong khi đó, bố mẹ đôi lúc vì nhiều lý do mà không có thời gian chuyện trò cùng bạn. Tuy nhiên, mình mong các bậc cha mẹ hãy thường xuyên tâm sự, giúp con phát triển, sáng tạo và cho phép con thất bại để trưởng thành hơn”, cậu bày tỏ.
Đức Minh và bố
Ban đầu, Diệu Linh cũng khá lo lắng khi mở lời với bố mẹ. Vì thế, cô bạn đã viết ra những vấn đề vướng mắc và xin họ lời khuyên. Sau nhiều lần như vậy thì cuối cùng, cô bạn cũng tự tin đối thoại trực tiếp với bố mẹ. Cô bạn tiết lộ thêm: “Khi thảo luận, bạn nên chuẩn bị mọi tài liệu liên quan đến vấn đề gặp phải và giải thích rõ ràng để họ hiểu. Bạn cần giữ thái độ bình tĩnh và chăm chú lắng nghe ý kiến của bố mẹ khi nói chuyện. Hãy cố gắng hoàn thiện bản thân để có được sự tin tưởng của bố mẹ và cho họ thấy được sự quyết tâm của bạn với việc nào đó! Khi đặt mình vào vị trí của bố mẹ, bạn sẽ hiểu được cảm xúc của họ”.
Theo Anh Thư, MCer hãy đặt niềm tin vào bố mẹ. Bởi khi tin yêu ai đó, bạn sẽ dễ dàng mở được cánh cửa tới trái tim của họ.
Chuyên gia “mách nước”
Theo các chuyên gia phòng Tham vấn học đường, gia đình là một hệ thống được phát triển và vận hành bởi từng thành viên, gồm có bố mẹ và con cái. Từng người trong nhà sẽ có những vấn đề căng thẳng riêng. Khi chúng tác động lên nhau sẽ dẫn đến sự khó chịu. Bố mẹ không hiểu tâm lý của con đang thay đổi theo lứa tuổi. Con cái chưa có sự thấu hiểu áp lực công việc, cuộc sống của bố mẹ. Điều đó sẽ dẫn tới mâu thuẫn và không có tiếng nói chung giữa các thế hệ. Đặc biệt ở giai đoạn dậy thì, bạn đang trong quá trình hình thành tính cách, kỹ năng xã hội và có thể bị điểm kém, gặp khúc mắc với bạn bè… Lúc ấy, bạn cần được bố mẹ chia sẻ kỹ năng xử lý tình huống, cách ứng xử phù hợp. Nếu bố mẹ và con cái thường xuyên tâm sự, thấu hiểu nhau thì sẽ có những ảnh hưởng tích cực tới hành vi, suy nghĩ, lối sống của con. Ngược lại, nếu bố mẹ lấy lý do bận việc mà không có thời gian dành cho con hoặc quan tâm con không đúng cách thì sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý của con.
Để khoảng cách giữa bố mẹ và con cái được rút ngắn, cần có sự kết hợp từ hai bên. Dưới đây là một số gợi ý giúp MCer chinh phục bố mẹ.
Hỏi với lòng biết ơn, cảm kích: Bạn dễ nhận được sự từ chối từ bố mẹ nếu họ cảm thấy bạn không xứng đáng với điều đang đòi hỏi. Vì vậy, khi có yêu cầu nào đó, bạn hãy sử dụng một lượng bằng nhau giữa lòng biết ơn và lời đề nghị. Khi bạn nói: “Bố ơi, con muốn có guitar điện”, từ “Không” sẽ nhanh chóng xuất hiện. Thay vì vậy, bạn hãy trình bày nguyện vọng với thái độ chân thành: “Con rất biết ơn bố vì đã chăm chỉ làm việc để cuộc sống gia đình ta tốt hơn. Lúc nào phù hợp, bố tặng con chiếc guitar điện nhé!”. Khi nghe bạn nói vậy, đảm bảo trái tim của bố mẹ sẽ… “tan chảy”.
Chuẩn bị nội dung, lựa chọn thời điểm: Với những chuyện buồn, vui mỗi ngày, bạn không cần phải lên kế hoạch trước. Khi bạn thổ lộ, nhất định bố mẹ sẽ lắng nghe. Nhưng lúc muốn thảo luận nghiêm túc với họ, bạn cần hiểu rõ vấn đề đó là gì và chuẩn bị mọi thông tin liên quan để giải thích cho bố mẹ hiểu; đồng thời khẳng định bạn rất muốn thực hiện nó. Tiếp theo, bạn nên lựa chọn thời điểm trao đổi. Hãy chọn lúc bố mẹ có thời gian và tâm trạng tốt nhất bằng câu hỏi: “Bố mẹ có thể trao đổi cùng con một chút không ạ?”. Khi bạn thể hiện sự nghiêm túc và cảm thông, bố mẹ cũng sẽ đáp lại bằng thái độ tương tự.
Đề nghị sự phản hồi chậm trễ: Khi bạn thúc ép bố mẹ phải nhanh chóng phản hồi, nhiều khả năng bạn sẽ nhận được lời từ chối. Vì vậy, bạn hãy bắt đầu một yêu cầu bất kỳ bằng cách: “Bố mẹ đừng trả lời ngay bây giờ. Con hy vọng bố mẹ suy nghĩ về nó trước đã”. Điều này sẽ giúp họ có thời gian cân nhắc về mong muốn của bạn, cũng như khiến bạn trông trưởng thành hơn khi biết kiên nhẫn chờ đợi.
“Không” chưa hẳn có nghĩa là không: Nếu bố mẹ trả lời: “Không” trước yêu cầu của bạn, đó là dấu hiệu không khả quan nhưng không đến mức tuyệt vọng. Bạn hãy tìm nguyên nhân khiến họ từ chối và tự hỏi bản thân cần làm gì để biến thành “Có”. Nếu bạn nhận được câu trả lời chung chung, chưa đúng trọng tâm mong muốn thì hãy để dịp khác. Hoặc bạn có thể hỏi: “Bố/mẹ muốn con trưởng thành hơn. Con cũng muốn điều đó. Vậy làm thế nào để con cho bố/mẹ thấy điều đó ạ?”. Thái độ bình tĩnh, chấp nhận “Không” đúng cách sẽ làm bạn trưởng thành hơn trong mắt của bố mẹ.
Hãy là một phần của giải pháp: Việc bạn thực hiện điều gì đó không phải là do bố mẹ hay thuộc trách nhiệm của họ. Tất cả do chính bạn quyết định. Vì thế, thay vì đặt hết trọng trách giải quyết vấn đề lên bố mẹ, bạn hãy cùng họ xử lý. Khi hai bên đồng lòng, mọi rào cản có thể được vượt qua, mọi khúc mắc có thể được tháo gỡ. Ví dụ, bạn hãy bảo: “Con muốn theo hội họa. Con đã tìm hiểu kỹ về ngành này. Đó không phải là sở thích nhất thời mà là đam mê thực sự. Bố mẹ ủng hộ con nhé!”; thay vì nói: “Con không muốn thi đại học như mong muốn của bố mẹ. Bao nhiêu người ra trường vẫn thất nghiệp đấy thôi. 4 năm ở đó chán lắm!…”. Với hai cách bày tỏ, bạn sẽ nhận được hai kết quả. Cách đầu tiên, bạn không chỉ tự giải quyết được vấn đề mà còn biết thỉnh cầu bố mẹ một cách tế nhị. Còn cách thứ hai, bạn vừa không biết làm thế nào với việc của mình vừa phủ định ý kiến của bố mẹ. Điều đó sẽ khiến cuộc thảo luận của hai bên dễ đi vào ngõ cụt.