Ngày Tết ở thập niên 70, 80, 90 có những điều gì thú vị? Thầy cô MC đã trải qua tuổi thơ với những cái Tết ra sao? Chúng mình hãy cùng ngược dòng thời gian trở về những miền ký ức ấy để khám phá nhé!
Thập niên 70: Tết trong bom đạn
Cô Xuân Lan (Hiệu trưởng Tiểu học 1) và thầy Công Hữu (Tổ trưởng tổ Quản trị) sinh ra và lớn lên trong thời chiến. Bởi thế, ký ức Tết của họ là đón năm mới trong tiếng bom rơi, đạn nổ.
Cô Xuân Lan kể về Tết năm 1972: “Khi ấy, tôi khoảng 11 tuổi. Do Mỹ sắp ném bom vào Hà Nội trong trận Điện Biên Phủ trên không nên gia đình phải sơ tán tới Đông Mỹ, Thanh Trì. Năm anh em tôi đón Tết ở sư đoàn Đặc công. Đó là lần đầu tiên tôi được vui chơi, ca hát bên các cô, chú bộ đội và đông bạn bè đến vậy. Tuy bố mẹ lúc ấy đều đi công tác, máy bay địch ngày đêm quần thảo bầu trời Hà Nội nhưng lũ trẻ vẫn hồn nhiên, không hề buồn hay lo lắng mà chỉ thấy vui, tưởng như được đi dã ngoại”.
Cô Xuân Lan (Hiệu trưởng Tiểu học 1)
Thời đó, nhà cô ở khu tập thể Nam Đồng. Bố là lính đặc công, mẹ là bác sỹ nên phải ra tiền tuyến. Các anh em ở nhà tự chăm sóc nhau. Bởi vậy, Tết với cô còn là sự mong đợi được gặp bố mẹ. Cô chia sẻ thêm: “Ngày ấy, tôi vô cùng thèm Tết. Vì tôi sẽ được ăn bánh chưng đã đời, được chén thịt gà đã miệng, được diện bộ đồ đẹp nhất năm để đi chơi với bạn bè, được đi tàu điện lên bờ Hồ ngắm hàng hóa, xem pháo hoa.
Thời đó vật chất vô cùng thiếu thốn nhưng mọi người lại dành cho nhau tình cảm tràn đầy. Tết đến, lũ lít nhít như tôi lăng xăng chuẩn bị lá dong để ông bà, bố mẹ gói bánh. Sáng mồng Một thì xếp hàng ngay ngắn nhận lì xì. Hồi đó chỉ 1 hào, 2 xu thôi nhưng đủ khiến tôi hãnh diện với bè bạn”.
Nhà ở gần Gò Đống Đa nên ký ức Tết của cô Xuân Lan còn là những lần biểu diễn trong lễ hội. Cô cùng đám bạn được mặc những bộ quần áo cổ xưa, diễn lại hoạt cảnh trận chiến của vua Quang Trung. Dù không hoành tráng, rực rỡ như bây giờ nhưng với cô, đó là niềm vui, niềm tự hào khôn xiết.
Điều khiến thầy Công Hữu thích nhất vào dịp Tết là được đi chợ phiên. Quê thầy ở vùng núi Yên Thủy (Hòa Bình) có phong tục năm ngày họp chợ một lần. Vào hôm 25 tháng Chạp, thầy được mẹ cho đi sắm quần áo mới.
Thầy vẫn nhớ cảm giác khi được ướm thử bộ đồ, cứ như một chân trời mới được mở ra vậy. Thầy cẩn thận cất vào tủ, mãi đến mồng Một Tết mới dám mặc để khoe với các bạn. Vì mỗi năm chỉ có một bộ đồ nên thầy giữ gìn lắm! Để quần áo không bị bẩn, thầy thường cởi ra vắt lên cây và chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi khi lăn lê với đám bạn.
Thầy còn mong Tết đến để được thưởng thức món bánh nếp sừng bò. Dù là món ăn khoái khẩu, thèm chảy nước miếng suốt cả quãng đường từ chợ về nhà nhưng thầy nhất quyết không ăn ngay. Thầy khư khư giữ bánh để về khoe với bạn rồi sáng hôm sau mới mang ra nhấm nháp. Chính vì say mê món bánh đó mà đến nay, mỗi lần tham gia lễ hội Bánh chưng ở MC, thầy không quên gói tặng MCer một vài chiếc bánh sừng bò.
Thầy Công Hữu (Tổ trưởng tổ Quản trị)
Ngày đó, nhà thầy Công Hữu ở trên trục đường mòn Hồ Chí Minh nên mỗi ngày có hàng trăm đoàn xe bộ đội hành quân qua. Thầy say sưa kể: “Có đợt Tết, các chú bộ đội đóng quân ở nhà tôi. Thế là tôi được đội mũ cối, học những hiệu lệnh quân đội. Tôi vui nhất là khi được ngồi lên cabin của xe U - oát vì thấy mình như sắp được ra trận”.
Những năm đó, đôi khi thầy cô và các bạn vừa đón Tết vừa phải chạy giặc. Đang nấu bánh chưng hay chuẩn bị đón Giao thừa mà nghe tiếng máy bay địch là mọi người phải nhanh chóng ra hầm trú ẩn. Các thầy cô bảo, vì Tết xưa thiếu thốn, khó khăn nên giờ, họ rất trân trọng sự tự do, no ấm. Việc sống trong hoàn cảnh gian khó đã giúp thầy cô học được cách tự lập, tiết kiệm, biết sẻ chia với bè bạn, hiếu thuận với người thân.
Thói quen đi thăm hỏi và chúc Tết anh em, họ hàng đến nay vẫn được thầy cô lưu giữ. Những phong tục truyền thống như: lì xì đầu năm, trang trí nhà cửa, nấu bánh chưng cũng được duy trì. Bởi vậy, khi trường MC tổ chức lễ hội Bánh chưng, thầy cô vô cùng vui mừng vì không chỉ được trổ tài gói bánh mà còn có cơ hội trở về thời tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm.
Thập niên 80: Tết những ngày hậu chiến
Khi chiến tranh kết thúc, khắp mọi miền Tổ quốc bước vào công cuộc kiến thiết và xây dựng. Vì vậy, ký ức về ngày Tết tuổi thơ của cô Minh Thùy (GV Toán) và cô Quỳnh Hoa (GV Ngữ văn) vô cùng thanh bình, an lành.
Chiều 30 Tết, chị em cô Quỳnh Hoa lại được mẹ tập hợp để tắm nước lá mùi già. Mẹ bảo làm vậy có thể trút bỏ những điều chưa vẹn tròn, vương vấn trong tâm tư để đón nhận niềm vui năm mới. Đến giờ, cô vẫn không quên mùi nồng ấm, ngan ngát lan tỏa khắp căn nhà của thứ nước diệu kỳ ấy.
Lớn hơn chút, cô thường cùng bạn bè tham gia lễ hội chợ Viềng của quê hương Nam Định. Mỗi năm, chợ chỉ họp một lần nên cô rất háo hức, mong ngóng được đi chơi Tết, ngắm hết hàng bánh kẹo lại đến hàng hoa. Chỉ cần nhìn mọi người mua sắm thôi là cô cũng thấy vui rồi!
Cô Quỳnh Hoa (GV Ngữ văn)
Cô kể thêm: “Ngày bé, mấy chị em tôi cùng những đứa trẻ hàng xóm thường tụ tập, chờ đón thời khắc Giao thừa để được xem pháo nổ đì đùng (thời đó, nhà nước chưa cấm sản xuất và đốt pháo). Chúng tôi còn lén bố mẹ đốt pháo hoa, thi xem của ai bay xa nhất.
Nhưng lúc đó, những ánh mắt háo hức liền bị cắt ngang bởi tiếng kêu hốt hoảng: “Nguy hiểm quá, các cháu ơi! Nhỡ cháy mái nhà tranh bên cạnh thì sao?”. Thật may là không có sự cố nào xảy ra! Giờ gặp nhau, những đứa trẻ cùng khu phố năm xưa vẫn sôi nổi nhắc lại một thời tuổi thơ dữ dội như thế”.
Giờ đây, cô Quỳnh Hoa vẫn giữ những thói quen xưa cũ. Dù bận đến đâu thì chiều 30 Tết, cô vẫn nấu nồi nước lá mùi già cho cả gia đình tắm để cảm nhận mùi hương “đích thực là Tết”. Thêm nữa, cô vẫn tự tay gói những chiếc bánh chưng để có những phút giây tĩnh tại và nhớ về người thân.
Cô Minh Thùy (GV Toán)
Đối với cô Minh Thùy, Tết thập niên 80 là niềm vui được đoàn tụ gia đình. Cô bảo: “Học xa nhà từ năm lớp 7 nên tôi luôn mong đến Tết để được trở về. Dù phải đạp xe mấy cây số trong thời tiết giá rét nhưng tôi vẫn thấy vui như được nhận phần thưởng. Tôi chỉ mong ngóng tới giây phút được về nhà, quây quần bên bố mẹ. Khi đó, tôi được đi chợ Tết để mua quần áo mới rồi cùng bố thức canh nồi bánh tét. Tụi trẻ lít nhít như tôi, đứa nào cũng mong Giao thừa đến thật nhanh để được nghe tiếng pháo nổ rộn ràng. Ngày Tết, chúng tôi còn tha hồ được chơi nhảy dây, ô ăn quan; vui ơi là vui!”.
Thập niên 90: Tết bình dị
Tết những năm 90, cô Hải Vân (GVCN 1P1) và cô Hồng Duyên (GVCN 5G) đã được trải nghiệm những chuyến du xuân thú vị hay tận hưởng khoảnh khắc đầm ấm trong bữa cơm tất niên sum họp gia đình.
Cô Hồng Duyên (GVCN 5G)
Cô Hồng Duyên quê ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Vào dịp Tết, cô thường cùng bạn bè tới thăm nhà đại thi hào Nguyễn Du. Cô bảo: “Sau khi thăm thú quanh nhà, chúng tôi đi bộ lên khu mộ của cụ để thắp hương tỏ lòng thành kính. Dường như đã thành thông lệ, năm nào mà không tới đó là tôi cảm thấy Tết chưa thực sự trọn vẹn”.
Cô Hải Vân (GVCN 1P1)
Tết trong ký ức của cô Hải Vân là những bữa cơm tất niên sum họp gia đình; nhìn lại những gì đã làm được, những thiếu sót trong năm cũ và đề ra những mục tiêu cho năm tới. “Trọn ngày 30 Tết, cả nhà tôi cùng dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị mâm cơm.
Ngày bé, tôi đơn giản chỉ nghĩ Tết là dịp vui chơi, diện quần áo mới, nhận tiền lì xì nhưng đến khi lập gia đình và ra ở riêng, tôi mới hiểu, để chuẩn bị cho một cái Tết ấm cúng, đủ đầy thì không hề đơn giản. Ngày chưa lấy chồng, tôi chỉ le ve phụ giúp mẹ và chị thì giờ, hầu như mọi việc đều tự làm.
Năm đầu, tôi thấy áp lực lắm nhưng dần dần cũng quen. Tết đến, tôi cầu mong sức khỏe cho mọi người; mong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và những học sinh thân yêu luôn gặp nhiều may mắn, hạnh phúc. Với riêng bản thân, tôi mong tiếp tục chở chuyến đò 2019 - 2020 và những chuyến đò sau nữa cập bến thành công!”, cô Hải Vân xúc động nói.