Gala 25, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang nhắc đến sự tử tế. Thầy nói, từ việc nhỏ đến lớn, từ việc gần gũi đến cao siêu, từ việc riêng đến chung, từ công việc đến đời sống, thầy đều hướng đến cái đẹp và sự tử tế. Vậy bạn hiểu từ “tử tế” ở đây như thế nào? Hãy lắng nghe những tâm sự về việc tử tế tại cộng đồng MC để có cái nhìn đầy đủ nhé!
Là anh chàng tuổi mới lớn, đang kiếm tìm những quan điểm đúng đắn về cách sống, ý nghĩa cuộc sống, tôi luôn băn khoăn tự hỏi: “Mình muốn trở thành con người thế nào?”. Sau những trải nghiệm trong khoảng thời gian vừa qua, tôi vỡ lẽ ra nhiều điều; học được việc này một chút, việc kia một chút để từ đó mỗi ngày tích lũy và hoàn thiện bản thân hơn. Tôi từng nghe nhiều về sống tử tế. Dù đã cố gắng rất nhiều nhưng tôi vẫn chưa thể định nghĩa chính xác hai chữ “tử tế”.
Sống tử tế là sống như thế nào? Điều này có ý nghĩa gì trong cuộc sống?... Đó không hẳn là những câu hỏi của riêng tôi mà chắc chắn nhiều bạn cũng đang băn khoăn, trăn trở như vậy. Câu chuyện mà tôi kể dưới đây chính là câu trả lời mà tôi tìm kiếm.
Vào một ngày hè oi ả, cũng như bao ngày khác, chúng tôi tới trường. “Gia Hiếu cố lên!”, “Minh Đăng cố lên!”…, những lời cổ vũ nhiệt thành của hội con trai liên tục vang lên giòn giã trong cuộc đấu vật tay gay cấn. Cả lớp tôi dường như không bỏ sót chi tiết nào. Trận đấu kéo dài 5 phút trong sự hồi hộp mà tưởng như cả tiếng. Cuối cùng cũng tìm ra người chiến thắng, là Gia Hiếu. Đó là chuyện tất nhiên vì anh chàng có biệt danh “soái ca” này vốn rất to cao.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy Minh Đăng có vẻ không ổn. Cậu ôm lấy tay, mặt nhăn lại trông rất đau đớn. Hóa ra, Minh Đăng bị gãy xương cánh tay và phải nghỉ học ít nhất một tháng. Khi biết tin, chúng tôi sốc toàn tập. Không khí lớp học trầm hẳn, ai nấy đều im lặng, không tám chuyện hay cười đùa nữa.
Lúc nghe cô chủ nhiệm thông báo cả lớp sẽ vào viện thăm Minh Đăng, sắc mặt cả lớp mới bừng sáng, tươi tắn lại. Hôm đó, chúng tôi xếp hàng dài để vào thăm cậu bạn; người cầm bánh, người xách sữa, người ôm lẵng hoa to… Điều tôi ấn tượng nhất chính là cái nắm tay và lời xin lỗi chân thành của Gia Hiếu dành cho Minh Đăng dù đó là “tai nạn” không ai mong muốn. Gia Hiếu đã bật khóc đầy ăn năn, hối lỗi. Mẹ của Minh Đăng cũng khóc và ôm chầm lấy cậu bạn.
Tôi nghĩ những giọt nước mắt ấy chứa đựng biết bao sự tha thứ, yêu thương. Chúng tôi ra về, động viên bạn bằng những câu nói hài hước, lạc quan: “Cố gắng mau khỏe để đi học cùng tụi này nhé!”, “Đừng lo, việc bài vở ở lớp cứ để tôi lo!”, “Nhớ đấy, tôi với ông còn một kèo đi chơi!”...
Hóa ra, tử tế không phải là điều quá lớn lao, xa xôi mà đơn giản là những sự quan tâm nho nhỏ như: một cái ôm, một cái nắm tay, một lời nói chân thành đúng lúc... để chúng ta cảm nhận được hơi ấm của tình người. Trong cuộc sống, sự tử tế còn nhiều lắm! Chắc chắn, tôi sẽ phấn đấu hết mình để trở thành một người tử tế.
HẢI LONG
(12P2)
Lớp E3 chúng tôi đã tổ chức rất nhiều chuyến đi chơi với nhau. Tuy nhiên, chuyến đi từ thiện năm lớp 11 cùng cô chủ nhiệm là trải nghiệm ý nghĩa nhất khi chúng tôi đã trao tặng nhiều món quà cho những em nhỏ kém may mắn ở Hải Dương.
Chúng tôi đã mất hàng tuần để lên kế hoạch tỉ mỉ, từ việc tổ chức hoạt động như thế nào đến tặng quà gì khiến các em vui. Chúng tôi háo hức chờ đến ngày lên đường. Khi tới nơi, nhìn thấy niềm vui, ánh mắt phấn khởi, nụ cười hồn nhiên của các em, chúng tôi thấy lòng mình ấm áp, vui mừng lạ thường.
Chính những giây phút ấy giúp tôi hiểu ra, niềm hạnh phúc thật giản đơn và đến từ những gì thân thuộc, bình dị nhất. Không cần quá lớn lao, cũng không cần là “superman” giải cứu thế giới, chỉ cần chúng ta làm việc tốt, có ý nghĩa thì sẽ đem hạnh phúc đến cho nhiều người và cho chính mình. Không chỉ vậy, việc nhìn thấy những người mà mình yêu thương vui vẻ cũng khiến chúng ta hạnh phúc.
Cũng nhờ chuyến đi đó mà tôi hiểu được ý nghĩa của việc cho đi và nhận lại. Khi làm những việc tử tế cho người khác, tâm hồn mình sẽ thấy nhẹ nhàng, an vui hơn rất nhiều.
CẨM NHUNG
(CHS E3, 16 - 19)
Theo tôi, tử tế là luôn sống thật với lòng mình, sống chân thành từ những việc nhỏ nhưng lại bao hàm ý nghĩa nhân văn lớn. Tôi xin kể mẩu chuyện nhỏ khi mới về trường Marie Curie công tác.
Hồi đó, trường ở Khương Đình. Con gái tôi đi học sớm nên kém một tuổi so với các bạn trong lớp. Ngày ấy, con nhìn non nớt và nhỏ nhất lớp. Một hôm thấy con đi học về và khóc nức nở, tôi hỏi: “Ai bắt nạt con à?”. Con bảo: “Không ạ! Hôm nay, không có bạn nào thèm chơi với con nên con cô đơn lắm! Con không muốn đi học nữa”. Tôi đem chuyện đó tâm sự với cô chủ nhiệm của con. Là giáo viên Toán nhưng cô có tấm lòng nhân ái, dù nghiêm khắc nhưng vô cùng thương yêu học trò.
Ngay hôm sau, cô “phân công” hai bạn chơi với con gái tôi, đặt tên là nhóm “Tam Tam”. Từ đó, tôi thấy con vui và tự tin hẳn lên. Đến tận bây giờ, nhóm “Tam Tam” vẫn chơi rất thân và thường xuyên liên lạc với nhau dù hai bạn kia đã có gia đình, còn con gái tôi đang công tác ở nước ngoài. Khi về nước, việc đầu tiên con làm là đến thăm hai bạn học cũ để hàn huyên. Với tôi, sự tử tế đến từ những điều giản dị như vậy.
Nếu ngày đó, cô chủ nhiệm không xử lý khéo léo và quan tâm học trò từ điều nhỏ nhất, chắc gì con đã tự tin và vững vàng như hôm nay. Quả thật, câu chuyện này luôn để lại dấu ấn không thể phai nhòa đối với mẹ con tôi.
Để con trở thành người tử tế, tôi nghĩ nên dạy bảo con từ lúc còn nhỏ. Những lời khuyên dạy đúng đắn sẽ giúp con đi đúng hướng, có suy nghĩ và hành động đúng mực. Tuy nhiên, quá trình ấy rất cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa gia đình và nhà trường. Câu chuyện về lần mắc lỗi của con gái ngày ấy càng khiến tôi ý thức được điều đó.
Trường Marie Curie tổ chức học bán trú, sau khi ăn xong, học sinh đều phải lên giường đi ngủ trưa. Cô chủ nhiệm của con là người tận tâm với nghề, trưa nào cũng kiểm tra học sinh đã ngủ hết chưa rồi mới đi nghỉ.
Một ngày, tôi nhận được cuộc gọi của cô: “Chị đến trường đưa con về đi!”. Tôi hỏi: “Sao vậy cô?”. Cô bảo: “Con đọc truyện trong giờ ngủ trưa, chị ạ. Chị tới cho con về, 13h45 đưa con đến học chiều”.
Tôi liền nghĩ ngay đến việc do là con giáo viên nên cô không phạt con. Tôi trả lời: “Ở trường, quyền quyết định là của cô. Cháu không thích ngủ, cô cứ phạt cháu ngồi cùng cô trông giấc ngủ cho các bạn”.
Đến ngày thứ ba, con đã xin cô chủ nhiệm được ngủ trưa và hứa không tái diễn. Từ đó, con cũng không bao giờ làm việc riêng trong giờ nữa.
Tôi luôn kết hợp với nhà trường để giáo dục con, không bao che cho con hoặc cho con thấy mình là con giáo viên để được ưu ái. Đối với con, cô chủ nhiệm luôn là thần tượng lớn. Mỗi lần về nước, người đầu tiên con hỏi chính là cô giáo dạy Toán năm nào và muốn dành thời gian đến thăm cô.
Cô NHẬT HÀ
(Cựu GV Sử)