“Những gì hôm nay sẽ là kỷ niệm thân thương của ngày mai/ Nhật ký học đường giữ lại cho tôi một thời không thể quên… ”.
1. “Nhật ký học đường có mặt trong hành trang tuổi học trò.
Trong đó có mình, có cả “hai cô giáo - hai người mẹ” ở nhà và ở trường.
Nắng mưa là chuyện của trời.
Lúc hay, lúc dở... chuyện của tôi ấy mà.
Rồi cái tuổi dại khờ cũng qua đi - Nuối tiếc!
Khi ra trường thèm “một lời trách” của cô.
Khi trưởng thành mong “một câu mắng” của mẹ.
Những gì hôm nay sẽ là kỷ niệm thân thương của ngày mai.
Nhật ký học đường giữ lại cho tôi một thời không thể quên…”.
Những dòng chữ thân thuộc ở trang đầu tiên của cuốn Nhật ký học đường mà MCer mang tới trường mỗi ngày đều chứa đựng tình cảm dạt dào của “Ông nội” Khang. Cách đây khoảng 10 năm, thầy nhận thấy cuốn sổ liên lạc giữa nhà trường với cha mẹ học sinh sao mà khô khan đến thế. Hình thức chưa được ưng mắt mà nội dung chỉ toàn viết về lỗi lầm, sai sót của học trò; những chuyện tốt đẹp, những kỷ niệm thân thương của các học trò đáng yêu thì chẳng thấy đâu. Thế là ý tưởng về một cuốn sổ ghi chép những gì xảy ra ở trường, lớp của mỗi học sinh được thầy ấp ủ. “Khi đặt bút phác thảo về nội dung cuốn sổ, thầy có cảm giác như mình là một cậu học trò nhỏ. Thầy nhớ về kỷ niệm một thời của mình, cả những chuyện tốt đẹp lẫn buồn vui. Thầy nghĩ giá như ngày đó, mình cũng có được một cuốn sổ như thế này thì bây giờ, kho tàng kỷ niệm sẽ giàu có và rõ ràng hơn biết bao”, thầy Khang xúc động nhớ lại.
Sau một tuần suy đi tính lại, cuối cùng, ý tưởng về cuốn Nhật ký học đường đã được cụ thể hóa. Thay vì những quy định khô cứng, thầy sử dụng những vần thơ vô cùng mộc mạc, dung dị. Câu từ ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thuộc, giúp mỗi MCer khi mở ra cảm thấy nhẹ nhàng và yêu mến. “Nhật ký học đường/ Đem theo đến trường/ Ghi ghi chép chép/ Giữ gìn thật đẹp/ Con “trình” mẹ cha/ Cô mắng, cô la…/ Mong con khôn lớn/ Nhật ký học đường/ Một thời ương ương/ Con nhớ, con thương… cô thích!”.
Sau thành công của Nhật ký học đường dành cho khối THCS, năm 2014, khi trường chuyển về cơ sở Mỹ Đình và có thêm bậc Tiểu học, cuốn Nhật ký của các MCer nhí cũng được thầy đặt trọn tâm huyết để soạn thảo. Không chỉ những nội quy khô khan được xoay vần thành thơ ca có nhạc điệu mà hình thức trình bày cũng được thầy chăm chút. Thầy thấu hiểu tâm lý học trò ưa thích sự ngộ nghĩnh, màu sắc bắt mắt nên khắt khe trong việc lựa chọn tông chữ, màu nền. Ngoài nhiệm vụ làm cầu nối thông tin liên lạc giữa nhà trường, giáo viên chủ nhiệm với gia đình, Nhật ký học đường còn có phần riêng để MCer lưu giữ hình ảnh, thông tin của bản thân, bạn bè, thầy cô, gia đình. Ngoài những lời nhắc nhở học tập, dặn dò, MCer có phần thể hiện cảm xúc, tự đánh giá chính mình.
Nếu MCer giữ gìn cuốn sổ này thì sau này nhìn lại, nó sẽ giống như một bảo tàng quý giá lưu giữ hết thảy những chuyện ẩm ương của tuổi học trò; lưu lại cả nét chữ, khuôn mặt ở thời điểm đó của mỗi người mà mai kia lớn lên không phải ai cũng nhớ hết. Theo thầy Khang, ý nghĩa sâu xa hơn về sự ra đời của cuốn sổ còn là con cái của các MCer đọc được những dòng chữ trong cuốn Nhật ký sẽ nhận ra, ngày xưa, bố mẹ cũng có không ít khuyết điểm và để trưởng thành, bố mẹ đã phải lắng nghe những lời rầy la của thầy cô, bố mẹ. Như thế, các con sẽ càng vui thú với việc tới trường, sẽ tự tin làm sai rồi sửa, chứ không phải sợ sệt rồi không làm.
Cô Thanh Thu (NV phòng Truyền thông - Sự kiện) chia sẻ: “Khi nhận được ý tưởng nội dung của thầy Hiệu trưởng về cuốn Nhật ký học đường, mình cảm thấy rất thú vị. Mình khâm phục sự chu đáo, tỉ mỉ của thầy nên cố gắng thiết kế cuốn sổ sao cho tốt nhất. Từ màu sắc đến từng nét chữ, cỡ chữ trong sổ đều được chọn lựa kỹ lưỡng để phù hợp với lứa tuổi học sinh. Nhóm thiết kế cũng cân nhắc những bạn có thành tích xuất sắc, những hoạt cảnh tươi vui của các MCer để chụp minh họa cho các trang bìa. Hơn nữa, sau khi cuốn Nhật ký học đường được phát hành, nhiều thầy cô và học sinh đã đóng góp ý kiến. Nhờ vậy, cuốn sổ hiện tại trông sinh động, thân thiện và hữu ích với MCer”.
2. Mặc dù đã ra trường nhưng Khánh Hà (CHS E1, 13 - 17) vẫn giữ cẩn thận cuốn Nhật ký học đường. Cô bạn cho biết: “Với mình, cuốn Nhật ký học đường rất hữu ích. Nó nhắc nhở mình những bài tập về nhà cần làm; giúp mình theo dõi điểm số, tự đánh giá bản thân, biết mình có những khuyết điểm gì cần hạn chế và thế mạnh gì nên phát huy. Thích nhất là hình ảnh của cả lớp được lưu giữ trong sổ, toàn là ảnh thẻ nên giờ nhìn lại thấy ai cũng buồn cười. Vui nhất phải kể đến phần ý kiến của cô giáo, mình toàn mắc tội thì thầm trong giờ ngủ trưa thôi. Giờ ngồi lật giở lại những trang giấy đó, bao nhiêu ký ức ùa về, cứ như mình đang ở trong lớp, chứ chưa phải là cựu MCer”.
Cô Yến Linh (GVCN 4G) tấm tắc khen Nhật ký học đường. Đó là cuốn sổ đẹp, kết hợp nhiều màu sắc, hình vẽ ngộ nghĩnh, các mục được phân bố hợp lý, rõ ràng. Những điều ấy giúp học sinh dễ dàng trình bày, ghi chép. Theo cô, cuốn sổ là sự kết nối thông tin giữa giáo viên với học sinh và các bậc cha mẹ; là nơi để các con chia sẻ cảm xúc, gửi gắm tâm sự, những mộng mơ của tuổi thần tiên sau những giờ học căng thẳng. Nhiều bạn trong lớp cô còn lưu lại lời bài hát, các bức ảnh yêu thích với bạn bè. Cô cho biết thêm: “Đầu năm học, các con rất mong chờ được nhận Nhật ký học đường. Sau khi cầm trên tay, các con cẩn thận điền hết thông tin của cá nhân, cũng như của bạn bè, thầy cô trong lớp rồi trang trí sao cho cuốn sổ của mình đẹp nhất, cá tính nhất. Có bạn còn kỳ công bọc giấy kính để sổ không bị quăn mép, dây mực”.
Với Hứa An (4M1) và Chí Minh (7M1), Nhật ký học đường giống như người bạn thân thiết. Người bạn ấy cứ âm thầm theo sát mỗi ngày, giúp các bạn biết sắp xếp thời gian học tập khoa học. Mỗi khi mắc lỗi, cuốn sổ thay lời xin lỗi tới cha mẹ và thầy cô; còn những lúc có chuyện buồn, cuốn sổ là nơi trút bầu tâm sự. Chí Minh chia sẻ: “Sau một năm học, nhìn lại cuốn sổ, tớ biết được lực học của mình thế nào. Tớ nhận thấy, vào những thời điểm tớ tập trung học thì điểm số khá cao. Năm nay, tớ sẽ cố gắng giữ phong độ suốt cả năm học để cuốn Nhật ký có thật nhiều điểm tốt”.
Minh Anh (8P1) cũng thích mê cuốn sổ thân thương này vì bạn ấy vừa xinh đẹp, dễ thương lại vừa khoa học. Mặc dù ngày nào cũng trình bố mẹ nhưng Minh Anh chẳng hề có cảm giác lo sợ. Vì bạn biết rằng, bố mẹ nào cũng mủi lòng khi thấy con đã tự phê bình những lỗi sai.
Mặc dù đã có sổ liên lạc điện tử, thông tin qua fanpage trường và lớp nhưng chú Hồng Hải (bố của Hải Anh, 4M2 và Châu Anh, 6P2) vẫn duy trì thói quen kiểm tra Nhật ký học đường của con. Theo chú, cuốn sổ không chỉ có ích cho học trò mà còn cả các bậc cha mẹ. Ngoài nắm bắt được tình hình học tập, bố mẹ còn biết thông tin về các thầy cô, bạn bè của con. Nhờ vậy mà sự gắn kết giữa thầy cô và các bậc cha mẹ càng trở nên khăng khít. Chú Hồng Hải khẳng định: “Trước sự phát triển ồ ạt của công nghệ hiện đại, tôi mong sao cuốn Nhật ký học đường vẫn được duy trì sử dụng. Nó sẽ giúp các con có ý thức, trách nhiệm hơn với việc học. Đồng thời, nó còn là kỷ niệm đáng quý thời cắp sách tới trường của con mà sau này không trở lại được”.
Theo MCer Link 37