Những MCer sở hữu chiều cao vượt trội luôn nổi bật trong đám đông. Bên cạnh các lợi thế, các bạn cũng gặp không ít chuyện “dở khóc, dở cười” do chiều cao ngất ngưởng gây ra.
Lợi thế của cao kều
Vào trường Marie Curie, bạn dễ dàng bắt gặp những cậu bạn cao vượt trội so với bạn bè cùng trang lứa. Công Thành (12E, cao 1m83) chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị xung quanh chiều cao của mình. Khi còn bé, Thành tự ti về cân nặng nhiều hơn là về chiều cao. Theo lời kể của mẹ, mỗi ngày hồi đó, Thành ăn hết một đĩa thịt. Cuối cùng, mẹ phải “phanh” cân nặng cho cậu. “Mùa hè năm lớp 7, mình bỗng cao vọt lên mấy chục phân. Tất cả quần áo trở nên chật chội, khiến mẹ phải mua đồ mới cho mình. Kết thúc mùa hè, trở lại trường, ai cũng trầm trồ trước chiều cao của mình. Đó cũng là lúc mình nhận ra sự khác biệt về chiều cao so với bạn bè”, cậu bạn kể.
Mỗi khi lấy vật ở trên cao, Thành chỉ cần với tay, chứ không phải nhờ đến sự hỗ trợ của ghế hay thang. Trong thể thao, nhất là bóng rổ, cậu có lợi thế hơn hẳn các bạn. Với chiều cao đó, Thành không quá khó khăn để ném bóng vào rổ. Trên lớp, dù ngồi ở đâu, Thành vẫn luôn nổi bật trong mắt thầy cô.
Khi được hỏi về bí quyết để trở nên cao lớn, Thành chia sẻ: “Có lẽ một phần là do “gene” di truyền. Bởi ông ngoại mình cao 1m70, chiều cao khá “khủng” với người Việt thời đó. Mẹ mình cũng cao 1m68. Khi bằng tuổi mình, mẹ cũng cao nổi trội so với bạn bè. Ngoài ra, mẹ luôn khuyên mình và em trai uống sữa mỗi ngày để bổ sung chất dinh dưỡng. Vào buổi tối, mình chỉ xơi một bát cơm nhưng lại ăn rất nhiều rau, thịt và canh”.
Giống như Thành, với chiều cao vượt trội, Thanh Tùng (12I1, cao 1m90) cũng có rất nhiều lợi thế. Tùng bắt đầu nhận thấy mình cao lên hẳn từ năm lớp 8. Khi đó, nhiều bạn nữ bảo cậu cao quá, mỗi lần nói chuyện phải ngước lên nhìn, mỏi hết cổ.
Chiều cao “khủng” đó trở thành lợi thế cho Tùng trong các hoạt động thể thao. Tùng bảo: “Chiều cao đã bù đắp đáng kể cho kinh nghiệm và kỹ năng chơi bóng rổ của mình. Với mình, việc ném bóng trúng rổ khá đơn giản”. Năm lớp 9, Tùng đi xin chữ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Trong khi mọi người phải chen nhau với tay lên bàn bán giấy thì Tùng chỉ cần rướn người là mua được.
Chia sẻ bí kíp để có chiều cao đó, Tùng tiết lộ: “Mình luôn ăn uống đủ chất để cơ thể được phát triển một cách tối đa. Hơn nữa, mình còn tích cực chơi các môn thể thao”.
Cậu bạn Đức Hiếu (7I1, cao 1m81) “bật mí”: “Mình bắt đầu cảm thấy cao lớn hơn bạn bè từ năm lớp 1. Khi đó, mình đã cao 1m40, còn các bạn chỉ khoảng 1m20. Khi đứng cạnh, các bạn toàn thấp hơn mình một cái đầu. Thế nên lúc gặp mình, nhiều bạn tuy bằng tuổi nhưng khoanh tay nói: “Em chào anh Hiếu!”. Hì hì”.
Chuyện “dở khóc, dở cười”
Bên cạnh những lợi thế là vô vàn chuyện “dở khóc, dở cười” về chiều cao “khủng” của các bạn. Hiếu kể: “Lúc đi du lịch, mình không được mua vé tàu dành cho trẻ con. Bởi mình tuy mới 8 tuổi nhưng đã cao hơn 1m50. Thế nên, người bán vé cứ đinh ninh mình trên 13 tuổi. Bố phải đưa ra giấy khai sinh thì họ mới tin. Rồi có lần đi tham quan Bát Tràng, cả lớp được chui vào hầm xem các nghệ nhân làm gốm, còn mình không thể vào được vì cao quá”.
Với Thành, bao giờ cậu cũng phải mua quần áo cùng cỡ, thậm chí lớn hơn “size” của bố. Thành cho biết: “Đi thang máy ở khu chung cư, hàng xóm luôn nhầm mình là sinh viên dù lúc đó, mình chỉ mới 15 tuổi. Lúc đi ngủ, mình chỉ có một ao ước nhỏ, đó là duỗi chân ra mà không chạm vào thành giường”.
Cậu bạn kể thêm: “Trước những kỳ thi lớn, nhà mình đều đến Văn Miếu Quốc Tử Giám. Năm mình 15 tuổi, khi qua cổng, người soát vé bảo: “To cao như này mà là trẻ con à?”. Thế là bố mẹ đành phải mua vé người lớn cho mình. Rút kinh nghiệm, ở chuyến đi sau, mẹ đã mang theo giấy khai sinh để chứng minh mình dưới 18 tuổi. Mỗi khi nhắc lại kỷ niệm đó, các thành viên trong gia đình đều cười nghiêng ngả”.
Mỗi lần họ nhà ngoại gặp mặt vào các dịp quan trọng, mọi người lại so chiều cao với Thành. Một điều thú vị là hầu như ai cũng chỉ cao đến tai của cậu bạn.
Giống như Thành, Tùng cũng trải qua không ít chuyện “dở khóc, dở cười” với chiều cao vượt trội. Đi đâu, mọi người cũng ngạc nhiên nhìn Tùng và trêu: “Trên cao đó có mát không vậy?”.
Nuôi dưỡng ước mơ
Tuy sở hữu chiều cao ngất ngưởng nhưng cả ba bạn lại không chọn theo nghiệp cầu thủ. Thành mơ ước làm nhà sản xuất trò chơi điện tử. “Mình nhận thấy, các “game” điện tử ngày nay rất nghệ thuật với đủ cung bậc cảm xúc và thể loại, từ lãng mạn đến hành động. Để chạm tới ước mơ đó không hề dễ! Nhưng dù khó khăn đến mấy, mình vẫn sẽ cố gắng thực hiện”, cậu bạn lớp 12E tâm sự.
Mong muốn trở thành nhà khoa học nghiên cứu về thực phẩm luôn thường trực trong suy nghĩ của Tùng. Để hiện thực hóa điều đó, Tùng cố gắng giành học bổng của ĐH Massachusetts, ngôi trường hàng đầu về công nghệ thực phẩm của Mỹ. Tùng sẽ theo học ở đây bốn năm để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm nhằm phục vụ cho công việc trong tương lai.
Công việc mà Hiếu muốn theo đuổi là phóng viên thể thao. Ngay từ bây giờ, cậu bạn đã bắt đầu rèn thói quen bình luận các trận đấu thể thao cho cả nhà cùng nghe.
Với Tùng, Thành và Hiếu, những năm tháng ở Marie Curie đã cho các bạn nền tảng vững chắc để tự tin chinh phục ước mơ. Tùng bảo: “Marie Curie là một môi trường giáo dục lý tưởng. Trong khi nhiều trường chỉ có học và học thì ở đây, học sinh còn được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa nhằm phát triển kỹ năng, rèn luyện thể chất”.
Khi được hỏi cảm nhận về MC, Thành không ngần ngại chia sẻ ấn tượng về hai cổng trường. Cậu bảo: “Hai cánh cổng với tên gọi Trường Sa, Hoàng Sa đã khắc sâu vào trí nhớ mình ngay từ ngày đầu đến đây. Hai cái tên ấy đã nói lên tình yêu của MCer với biển đảo Tổ quốc”. Thành nói thêm: “Mình cũng rất thích lễ hội Bánh chưng. Ở MC, học sinh được nấu bánh chưng ngay trong khuôn viên trường, thật thú vị biết bao!”.
Theo MCer Link 28