“Trở lại La Pán Tẩn, tôi đã khóc như một đứa trẻ vì thương, vì cảm thấy bất lực, vì cảm phục con người nơi đây quá phi thường. Phải lên tận nơi thì bạn mới có thể thấu hiểu những nỗi khổ mà người dân phải hứng chịu sau trận bão”, cô Kim Dung (GVCN 9P3) kể về chuyến đi chuyến từ thiện vừa qua tại xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải, Yên Bái).
Tiếp nối chương trình “Xóa mọi khoảng cách, kết nối yêu thương”, cô trò cùng CMHS 9P3 lại lên đường. Cô Kim Dung nói, chuyến từ thiện lần này là theo tiếng gọi của trái tim. Cô kể rằng: “Nhớ cảnh chật vật leo núi mãi mới đến được với những hộ dân bị sập nhà; nhớ sân trường tan hoang do bão; nhớ mọi người cùng nhau hát cho bớt mệt, cùng nhau cuốc đất làm móng nhà; nhớ và thương những lúc cả đoàn đi bộ 4km để vác xi - măng, cát, sỏi lên dựng nhà dù trời mưa tầm tã. Mặc cho thời tiết khắc nghiệt, đường trơn trượt và nguy hiểm, bụng đói, lạnh, bị ngã, bị thương, tất cả thành viên vẫn cố hết sức để giúp họ có được ngôi nhà mới sớm nhất. Thật cảm động khi nhìn thấy bức tranh vẽ trường Marie Curie mà lớp mình tặng bác Chủ tịch xã La Pán Tẩn năm ngoái được treo ở chỗ trang trọng trong nhà sàn của bác”.
Kể về động lực trở lại nơi này, cô chia sẻ thêm: “Chính học sinh và các bậc cha mẹ của lớp đã hô hào nhau thực hiện chuyến đi khi nghe tin lũ về Mù Cang Chải. Học trò Hoàng Dương nhắn tin cho mình: “Mình đi luôn, đi cô! Con nhớ Mù Cang Chải lắm rồi! Thương họ quá!”.
Nhưng để đảm bảo an toàn cho MCer 9P3, chuyến đi này chỉ có cô Kim Dung, cô Thanh Vân, Hồng Quỳnh cùng các cô, chú tình nguyện viên mang những món quà ý nghĩa mà lớp dành tặng. Dù vậy, nhiều bạn vẫn kiên quyết xin đi cùng: “Tụi con không sợ khổ. Chỉ sợ không giúp được gì cho họ thôi!”.
La Pán Tẩn không điện, không nước, không đồ ăn, không nhà ở, không bát đũa… cứ ám ảnh cô trò MC đến tận giờ. Nhìn cảnh trường tan hoang, sân trường nhầy nhụa toàn đất sét, cô Kim Dung không khỏi choáng và sốc. “Cả đoàn vừa đi bộ 6km vừa hát vang để quên đi cái mệt, cái đói, cái khổ. Nhớ nhất lúc đi bộ 10km để mua thức ăn, về đến bản thì không có đèn điện, nước khan hiếm, không bát đũa…, cảm giác bất lực, muốn òa khóc. Đêm ấy, mưa to tầm tã, chẳng ngủ được vì lo ngày mai lại mưa thì không dựng được nhà. Sáng hôm sau, cả đoàn mặc áo mưa, người xúc đất, người cuốc đất làm nền, người gùi cát hay vác xi - măng, cát, sỏi làm móng…”, cô cho biết.
Lúc ấy, các bạn ở nhà mong ngóng tin tức và gửi rất nhiều tin nhắn động viên, chẳng hạn như: “Cô đừng lo lắng quá! Nếu mưa to không dựng nhà đúng tiến độ thì đợi 1 - 2 tuần nữa cũng được”. Điều này dường như tiếp thêm sức mạnh và quyết tâm cho đoàn hoàn thành nhiệm vụ. Hồng Quỳnh (9P3) rất nhớ chuyến đi ý nghĩa này. Khi đặt chân đến ngôi trường của bạn bè đồng trang lứa, cô bạn sững sờ khi thấy các lớp học bị lũ cuốn trôi, mọi người đang cùng nhau dọn dẹp. Thầy Phó hiệu trưởng vô cùng xúc động khi đón nhận những món quà nhỏ do lớp dành tặng.
“Đường nhiều chỗ sạt lở rất nguy hiểm, xe không thể qua được nên đoàn phải đi bộ 6km. Có nhiều đoạn trơn trượt, bùn lầy lội, mọi người nắm tay hỗ trợ nhau. Khi đến nhà bác Nù để dựng nhà, nhìn thấy các em nhỏ ngồi trong lều, mình muốn òa khóc vì không nghĩ họ lại khổ đến thế. Cả đoàn, ai cũng cố gắng giúp đỡ gia đình bác ấy nhiều nhất có thể. Khi trao cho bác biển Nhà tình nghĩa, mình rất xúc động vì tập thể 9P3 đã giúp bác được phần nào, vì chúng mình đã làm được một việc tốt. Chuyến đi này thực sự giúp mình trải nghiệm rất nhiều điều quý giá”, Hồng Quỳnh chia sẻ.
Cô Thanh Vân (mẹ của Hồng Quỳnh) kể rằng, đoàn đội mưa leo qua mấy đoạn đồi núi, băng qua những nương ngô, men theo những con đường đất bùn lầy, trơn trượt để đến nhà bác Nù. “Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh các con của bác Nù ngồi dưới chiếc lán rộng chừng 4m vuông dựng tạm từ các thanh tre và bạt nilon. Đây chính là “ngôi nhà” của gia đình bác sau khi cơn lũ đi qua. Trong chiếc lán, ngoài thùng mỳ tôm, bao gạo, không có đồ vật gì giá trị nữa. Để có thể nấu ăn dưới trời mưa bão, gia đình bác Nù dựng tạm tấm Fibro xi - măng đủ che chắn cho nồi nấu cơm trên nền đất vừa được san lại. Thực sự phải lên tận nơi, tôi mới hiểu được sự khó khăn cùng cực của bà con, cuộc sống những ngày sau cơn lũ thật khó thốt thành lời. Trước hoàn cảnh đó, chúng tôi cùng hăng hái bắt tay vào công việc. Người dùng cuốc san nền, người dỡ lán dọn đồ để có đất làm nền nhà mới, người đi vác xi - măng, cát sỏi, tập kết vật liệu...”, cô Thanh Vân tâm sự.
Tổng số tiền tập thể 9P3 kêu gọi ủng hộ bà con La Pán Tẩn đợt vừa qua là gần 100 triệu bao gồm: hơn 1.000 phần quà (vở, đồng phục, quần áo cũ, gạo, mỳ tôm, tạp chí, báo…) và hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng ba ngôi nhà tình nghĩa cho gia đình bác Lý A Nù ở La Pán Tẩn, bác Lý A Hồng ở bản Trống Páo Sang, bác Mù Vảng Lủ ở Bản Pú Nhu. Mọi người thực sự cảm thấy ấm lòng khi có thể đóng góp một phần công sức để giúp bà con và các em học sinh nơi đây khắc phục hậu quả nặng nề sau cơn lũ quét.