“Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa…”

Hai cánh cổng Trường Sa, Hoàng Sa luôn gợi nhắc cho cộng đồng MC về tình yêu biển đảo Việt Nam. Đặc biệt, Hội diễn văn nghệ lần thứ 27 đã giúp MCer hiểu thêm cuộc sống của người lính đảo và khơi dậy lòng biết ơn đối với sự hy sinh thầm lặng của họ dành cho Tổ quốc. 

Chủ đề của Hội diễn văn nghệ năm 2019 được thầy Hiệu trưởng lựa chọn là “Biển hát chiều nay”, gợi cho tôi nhớ tới quần đảo Trường Sa. 

Hai chữ “Trường Sa” vang lên thật thân thương, gần gũi bởi tôi từng được nghe bố kể nhiều câu chuyện và xem những thước phim về các chú hải quân. Quần đảo này là nơi đầu tiên của Việt Nam đón ánh bình minh khởi đầu ngày mới. Nơi đây còn được biết đến với cái tên “quần đảo bão tố” bởi không chỉ khắc nghiệt về thời tiết mà địa hình cũng gây nhiều thách thức cho trồng trọt. Cách xa đất liền nên việc tiếp tế hàng hoá, vật phẩm cần thiết ra đảo rất khó khăn. Nhưng với ý chí quật cường của quân dân trên đảo, Trường Sa đã được phủ xanh và có môi trường sống ổn định. Càng tìm hiểu, tôi càng cảm phục tinh thần quả cảm, quyết tâm bám biển của những con người ở huyện đảo này.

Tác phẩm “Nơi đầu sóng” của tác giả Lữ Mai và Trần Thành giúp tôi hiểu hơn sự hy sinh của các chiến sỹ đã ngã xuống để bảo vệ biển đảo. Cuốn truyện như con tàu đưa tôi tới đảo xa. Tôi như được sống, cảm nhận những cơn mưa biển, ngắm nhìn ngọn hải đăng. Và hôm nay, bài hát “Nơi đảo xa” trong Hội diễn văn nghệ vang lên, càng thôi thúc trong tôi ước muốn được một lần đặt chân lên đó. Tôi sẽ mang theo thật nhiều nước ngọt, thuốc, bánh kẹo cho người dân. Một vật không thể thiếu trong hành trang của tôi là chiếc máy ảnh để lưu giữ những kỷ niệm đẹp nơi đây. Có lẽ ước mơ được ngắm bình minh trên đảo, trò chuyện với những người lính sẽ trở thành hiện thực với tôi vào một ngày nào đó.

Những câu hát Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa/ Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua, vượt qua” là lời nhắc nhở tôi về chủ quyền của Tổ quốc. Đặc biệt, mỗi khi đi qua hai cánh cổng Hoàng Sa và Trường Sa, tôi thấy mình thật may mắn khi được bố mẹ chăm sóc đủ đầy; được ăn ngon, mặc đẹp. Tôi sẽ cố gắng thật nhiều để trở thành người có ích, góp sức gìn giữ biển đảo quê hương.

ĐỨC ANH (5I)

 “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?”. Mỗi khi nghe câu hát ấy, tôi lại nghĩ đến các chú hải quân nơi biển đảo xa xôi. Các chú đang ngày đêm canh gác, giữ vững chủ quyền Tổ quốc. Nơi đó còn bao gian khó với cuộc sống thiếu thốn, vất vả và nỗi nhớ người thân không sao kể hết.

Qua những bài giảng của thầy cô, những cuộc trò chuyện với bạn bè, những lần tìm hiểu trên mạng xã hội, đặc biệt sau Hội diễn văn nghệ lần thứ 27, tôi đã hiểu thêm về nơi đảo xa ấy. Địa danh đó không chỉ có những tiếng cười mà còn cả bao nước mắt với những lần chống chọi thiên nhiên khắc nghiệt… Tôi cũng hiểu thêm về khó khăn của những người lính hải quân; ngoài thiếu thốn lương thực, thực phẩm, nước ngọt sinh hoạt còn là nỗi nhớ quê hương, gia đình trong nhiều năm đằng đẵng…

Càng tìm hiểu, tôi càng khát khao được một lần đặt chân đến đó. Tôi muốn gửi tới các chú hải quân lời chúc khỏe mạnh để chắc tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển quê hương. Nghĩ về các chú, tôi có thêm động lực học thật tốt để mai sau tiếp bước các chiến sỹ bảo vệ lãnh thổ hình chữ S.

Tôi cũng muốn nhắn nhủ tới người dân vùng hải đảo rằng: “Cuộc sống trên đảo tuy khó khăn nhưng con mong, mọi người sẽ luôn kiên cường giữ vững Trường Sa để đón những du khách trong, ngoài nước đến thăm, để họ biết có một quần đảo của Việt Nam hùng vĩ như thế và những người dân nước Nam anh dũng, đoàn kết ra sao. Con cũng mong, Nhà nước sẽ quan tâm hơn nữa để cuộc sống nơi hải đảo được tốt hơn”.

Khi trở thành học sinh Marie Curie, vừa bước chân vào trường, tôi đã nhìn thấy hai cánh cổng mang tên Hoàng Sa, Trường Sa. Tôi nhận ra nhà trường luôn giáo dục và nhắc nhở chúng tôi rằng, nơi đó là một phần máu thịt của người Việt Nam. Mỗi chúng ta hãy nỗ lực học tập, rèn luyện để là ngọn lửa sưởi ấm cho các chú hải quân đang canh giữ vùng trời, vùng biển thân yêu.

THỦY LINH (7P4)

Lần đầu tiên biết đến hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa chính là ngày mình đặt chân tới trường Marie Curie. Giờ đây là học sinh lớp 5, đặc biệt sau khi tham gia Hội diễn văn nghệ lần thứ 27 với chủ đề “Biển hát chiều nay”, mình đã hiểu và thêm yêu biển đảo Tổ quốc. Xem các hình ảnh về cuộc sống người lính đảo và lắng nghe ca từ của bài hát: Cháu hát về đảo xa, Sơn ca trên đảo Hoàng Sa, Nơi đảo xa…, mình hiểu rõ hơn sự vất vả của các chiến sỹ và người dân vùng hải đảo. Các chú bộ đội nơi đây đã hy sinh tuổi thanh xuân, tạm xa người thân để ngày đêm canh gác bảo vệ đất nước. Cuộc sống trên đảo còn nhiều khó khăn lắm! Lớp học rất đơn sơ, không có nhiều trang thiết bị hiện đại như trên đất liền. Nếu có cơ hội đến đó, mình mong có thể đưa theo người thân của các chú hải quân. Đó sẽ là những món quà tinh thần bất ngờ và ý nghĩa nhất với họ. Mình cũng sẽ mang theo những lá thư tay của các MCer gửi gắm lời yêu thương, lòng biết ơn dành cho các chú bộ đội và người dân đảo.

THỤY VÂN (5M1)

Trường Sa là một phần máu thịt của Tổ quốc, nơi hàng triệu con tim người Việt luôn hướng về. Nhắc đến địa danh đó, không chỉ tôi mà mỗi người con đất Việt đều cảm thấy thật thiêng liêng, tự hào.

Trường Sa được biết đến như một bức tranh tuyệt đẹp, chứa chan bao niềm kiêu hãnh về chủ quyền lãnh thổ của dân tộc. Trong tôi, Trường Sa hiện lên với dòng nước trong, tiếng sóng vỗ rì rào, những cánh chim hải âu bay lượn trên bầu trời xanh. Dù chưa từng tới miền đất ấy nhưng khi nhắc đến chốn đó, lòng tôi lại dâng trào bao cảm xúc.

Trường Sa hiện lên thật đẹp. Để giữ được vẻ đẹp ấy là nhờ công sức của những người lính hải quân, người dân đảo. Họ sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn giữa biển khơi sóng lớn, với điều kiện thiếu thốn và thiệt thòi hơn so với đất liền như: thiếu nước ngọt, điện, thực phẩm, chăm sóc y tế… Giữa mênh mông biển khơi, sự bao la vô hạn của không gian, con người ta sẽ cảm thấy chơi vơi, cô đơn hơn bao giờ hết khi phải xa người thân. Tuy nhiên, những người lính vẫn ngày đêm cống hiến cho Tổ quốc. Họ đã biến nỗi nhớ, tình yêu gia đình thành động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đó là sự hy sinh âm thầm nhưng lại thiêng liêng vô cùng.

Chuyến công tác của các anh kéo dài hết ngày này qua ngày khác; chắc một năm chỉ về thăm nhà một, hai lần. Đi thật xa để trở về, có lẽ vì vậy mà những chuyến đi của các anh luôn tràn đầy ý nghĩa, tình yêu thương. Dẫu khó khăn, vất vả là thế nhưng trên môi họ vẫn rạng rỡ nụ cười, tinh thần luôn phấp phới sự lạc quan, yêu đời và tràn đầy sức sống.

QUỲNH CHI (10E6)

Cuộc sống của những người lính trên đảo Trường Sa vô cùng khó khăn, không chỉ về vật chất, tinh thần mà còn luôn phải đối đầu với sóng gió, các mối hiểm nguy cận kề. Có những ngày nắng rát chói chang, có những ngày mưa bão như muốn nuốt chìm cả đảo. Ở đảo xa, mọi thứ đều thiếu thốn, họ phải tiết kiệm từng giọt nước ngọt sinh hoạt, từng ngọn rau, hạt gạo… Trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, dù ở đất liền hay trên biển, các chiến sỹ đều phải đối mặt với hiểm nguy. Nhưng với những chiến sỹ nơi hải đảo, dường như thử thách càng nhiều hơn và nhiệm vụ càng trở nên cao cả, thiêng liêng hơn.

Biết được những gian khổ, khó khăn trong cuộc sống thường ngày của người lính đảo, tôi càng khâm phục sự hy sinh thầm lặng; hiểu rằng cuộc sống yên bình của mình hôm nay là bao đêm không ngủ, bao ngày giãi dầu mưa nắng của các anh.

Ở ngôi trường Marie Curie, thầy Hiệu trưởng đặt tên hai cánh cổng là Hoàng Sa và Trường Sa. Điều đó không chỉ giáo dục học sinh về bài học nhớ ơn, bảo vệ, gìn giữ biển đảo Việt Nam mà còn khiến chúng tôi vô cùng tự hào. Đặc biệt, Hội diễn văn nghệ 27 đã giúp thầy trò thể hiện tình yêu Tổ quốc; hiểu hơn cuộc sống gian khổ nơi đảo xa và thêm trân quý những điều đang có. Các học trò mỗi lần nghe chuyện về đảo xa đều trầm trồ thán phục và mong muốn trở thành người lính biển trong tương lai.

Giữa mênh mông biển cả, vẻ đẹp của những người lính hải quân vẫn không bị lu mờ bởi nắng gió, bão giông. Điều đó đã làm nên sức sống của đại dương bao la mà mỗi lần nhớ đến, trong tôi lại trào dâng biết bao cảm phục, yêu mến, kính trọng... Ai đó đã nói, người lính đảo là linh hồn của biển cả bởi tâm hồn của các anh thấm đẫm vị biển, từ làn da rám nắng đến tình yêu đều mang hơi thở đại dương. Yêu biển đất nước mình cũng là yêu những bộ quân phục hải quân đã làm nên màu sắc rất riêng, rất Việt Nam - nơi những con sóng ào ạt, nơi vị mặn của muối hòa lẫn vị mặn của những giọt mồ hôi. Xin cảm ơn quân dân trên đảo đã hy sinh một phần cuộc sống mình để giữ yên bình cho mảnh đất thiêng liêng của quê hương!

LINH LINH (PCN 3G3)

Các chú lính hải quân à!

Thuở ấu thơ, cháu thường nghe đến Hoàng Sa, Trường Sa qua những câu chuyện kể của bà. Bà kể, ở ngoài đảo cách đất liền rất xa, các chú đang vững chắc tay súng canh giữ biển đảo Tổ quốc. Hồi ấy, trong tưởng tượng của cháu, Hoàng Sa, Trường Sa là quần đảo rất rộng lớn, tuyệt đẹp với bầu trời xanh, bãi biển trải dài cùng bờ cát trắng phau và những người dân trên đó có cuộc sống thoải mái, không phải lo kiếm sống hay chịu ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường, khói bụi, tắc đường… Khi vào lớp 1, ngày đầu tiên đến trường, nhìn thấy cánh cổng mang tên Hoàng Sa và Trường Sa, cháu bất ngờ lắm! Cháu đã đem sự tò mò, thắc mắc ấy hỏi cô và mẹ. Đặc biệt, Hội diễn văn nghệ vừa qua của trường là cơ hội để cháu tìm hiểu cuộc sống trên đảo qua những thước phim, bài báo. Biết được sự khó khăn, vất vả ấy, cháu càng thêm trân quý và biết ơn các chú. Thiếu thốn nước ngọt sinh hoạt, khan hiếm thực phẩm… nhưng những điều đó vẫn chưa thấm tháp gì so với nỗi nhớ nhà, quê hương của các chú. Gian khó là thế nhưng các chú vẫn kiên cường vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cháu mong một lần được ra thăm các chú. Cháu sẽ mang đến cho các chú thật nhiều thực phẩm, nước ngọt. Cháu sẽ trò chuyện thật nhiều để các chú vơi đi nỗi nhớ nhà.

Hàng ngày đi qua hai cổng trường Hoàng Sa và Trường Sa, cháu rất biết ơn công lao, sự hy sinh thầm lặng của các chú. Cảm ơn các chú đã mang đến cho chúng cháu một cuộc sống bình yên để hàng ngày được cắp sách tới trường, được sống với đam mê của mình! Cháu hứa sẽ học thật tốt để trở thành người có ích cho đất nước.

NGỌC ANH (5I)

Theo MCer Link 44

26

Tháng 4/2024

MCer dự ra mắt sách - nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

MCer dự ra mắt sách - nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

MCer dự ra mắt sách - nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

Thứ sáu, 26 Tháng 4 2024 15:05 Viết bởi TRUONG MARIE
Sáng 24/4, các MCer 10M4, 10M5 hồ hởi tham dự chương trình giao lưu và ra mắt sách “Con đường văn sĩ” - nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng tại NXB Kim Đồng.
Xem thêm

26

Tháng 4/2024

THÔNG BÁO SỐ 3 VỀ TUYỂN SINH VÀO LỚP 10, NĂM HỌC 2024 - 2025

THÔNG BÁO SỐ 3 VỀ TUYỂN SINH VÀO LỚP 10, NĂM HỌC 2024 - 2025

THÔNG BÁO SỐ 3 VỀ TUYỂN SINH VÀO LỚP 10, NĂM HỌC 2024 - 2025

Thứ sáu, 26 Tháng 4 2024 10:28 Viết bởi TRUONG MARIE
Hệ thống giáo dục Marie Curie, Hà Nội thông báo về việc tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2024 - 2025.
Xem thêm

26

Tháng 4/2024

Bộ 3 MCer ghi danh ở các trường đại học hàng đầu thế giới

Bộ 3 MCer ghi danh ở các trường đại học hàng đầu thế giới

Bộ 3 MCer ghi danh ở các trường đại học hàng đầu thế giới

Thứ sáu, 26 Tháng 4 2024 10:12 Viết bởi TRUONG MARIE
Lưu Hà Phương (12E1), Nguyễn Hoàng Trang Linh và Phan Lâm Khoa (CHS P1, 17 - 21) vừa “apply” thành công mức học bổng cao nhất của nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới. Cùng lắng nghe các bạn chia sẻ để “dắt túi” thêm “bí kíp” cho hành trình chinh phục ước mơ du học nhé!
Xem thêm

17

Tháng 4/2024

Đội bóng rổ MC "ẵm" cúp Vàng giải thanh niên quận Hà Đông

Đội bóng rổ MC "ẵm" cúp Vàng giải thanh niên quận Hà Đông

Đội bóng rổ MC "ẵm" cúp Vàng giải thanh niên quận Hà Đông

Thứ tư, 17 Tháng 4 2024 15:06 Viết bởi TRUONG MARIE
Tại Chung kết (CK) giải “Bóng rổ thanh niên quận Hà Đông 2024”, đội THPT Marie Curie đã xuất sắc vượt qua nhiều đối thủ mạnh để giành cúp Vô địch.
Xem thêm

16

Tháng 4/2024

MCer 7G2, 7I4 thích thú với khảo cổ học

MCer 7G2, 7I4 thích thú với khảo cổ học

MCer 7G2, 7I4 thích thú với khảo cổ học

Thứ ba, 16 Tháng 4 2024 10:02 Viết bởi TRUONG MARIE
Các bạn đã có trải nghiệm ý nghĩa và đầy cảm xúc khi được “mục sở thị” tòa nhà Quốc hội Việt Nam.
Xem thêm