Sáng 21/9, các thầy cô khối THPT tham gia chuyên đề “Nâng cao sức khỏe tâm thần cho học sinh”. Chương trình do phòng Tham vấn học đường MC tổ chức nhằm giúp các giáo viên nhận diện tổn thương tâm lý của học trò và có kỹ năng ứng phó phù hợp.
Mở đầu chuyên đề, các thầy cô sôi nổi chia sẻ góc nhìn của mình khi xem hình ảnh nhóm trẻ em tươi cười, nói: “Hello” được chiếu trên màn hình.
Thầy Chính Nghĩa (GV Lý) phân tích: “Qua ánh mắt, nụ cười và ngôn ngữ cơ thể của từng bé, tôi thấy các bạn ấy rất hạnh phúc”.
“Các con cũng mong muốn được đáp lại bằng nụ cười vui tươi từ những người khác”, cô Bùi Oanh (GV Toán) cho hay.
Ngay sau đó, cả khán phòng bỗng trầm lắng khi nghe chuyên gia tâm lý Thanh Hương chia sẻ hình ảnh trẻ em ngồi cô đơn một mình trong bóng tối, bị stress, vẻ mặt đượm buồn với ánh mắt cầu cứu…
Theo cô Thanh Hương, trong những năm gần đây, các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần học sinh đang gia tăng nhanh chóng như: stress, lo âu, trầm cảm, tự tử… Bởi vậy, bên cạnh bố mẹ, các thầy cô có vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh thoát khỏi những vướng mắc về sức khỏe tâm thần.
“Các thầy cô quan sát trong môi trường học tập, phát hiện học sinh có những biểu hiện, dấu hiệu về sức khỏe tâm thần để kịp thời có kỹ năng ứng phó. Mặt khác, các thầy cô cũng kết nối với phòng Tham vấn học đường để có giải pháp hữu hiệu giúp học trò”, cô Thanh Hương cho biết.
Tại chuyên đề, các chuyên gia cũng phân tích nguyên nhân dẫn đến những tổn thương của học sinh, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức để nhận diện những vấn đề tâm lý thường gặp ở lứa tuổi này.
Thầy Đức Thắng (GV Hóa) nói: “Chương trình rất thiết thực và ý nghĩa, giúp tôi nhận thức rõ ràng và đầy đủ hơn về tầm quan trọng của việc nâng cao sức khỏe tâm thần cho học sinh, đặc biệt là vai trò của giáo viên trong vấn đề này. Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi cần luôn quan tâm, rà soát để phát hiện học sinh cần chăm sóc sức khỏe tâm thần”.