Năm 2021 sắp qua. Hai năm qua đại dịch Covid-19 làm đảo lộn thế giới, cũng là 3 năm học ngành giáo dục phải trải qua những thách thức khắc nghiệt của dịch bệnh.
3 năm học giáo dục ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Việt Nam đã bốn lần bùng phát dịch Covid-19.
Đợt 1, từ tháng 2 - 4/2020, các trường học phải đóng cửa. Mất một tháng để tìm cách chuyển đổi từ học trực tiếp truyền thống sang học trực tuyến mới lạ. Giáo viên lúng túng, học sinh bỡ ngỡ. Mạng internet không ổn định, thậm chí nhiều nơi không có. Thiết bị điện tử của thầy và trò không đảm bảo cho việc dạy và học… Năm học 2019 - 2020 bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phải kéo dài đến 15/7/2020 mới kết thúc.
Đợt 2, từ cuối tháng 7 đến hết tháng 8/2020. Thời gian này học sinh nghỉ hè nên không ảnh hưởng nhiều. Tuy vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 phải chia làm 2 đợt.
Đợt 3, tháng 2/2021, mất một tháng đầu học kỳ 2 của năm học 2020 - 2021.
Đợt 4, khởi phát từ 27/4/2021 cho đến nay, đã 8 tháng. Dịch bệnh chưa bị đẩy lùi, trạng thái “bình thường mới” ở nhiều địa phương chưa được thiết lập. Thời gian và thiệt hại của lần này khủng khiếp hơn nhiều so với 3 lần trước gộp lại.
Đến nay, ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác, các trường học đóng cửa 8 tháng, trong đó có những địa phương vẫn chưa biết đến bao giờ được mở cửa trường trở lại. Thầy trò đang cố gắng dạy và học trực tuyến để giáo dục không bị đứt gãy. Dài quá, lâu quá, không còn cái nghĩa “tạm dừng đến trường”.
Cần quyết sớm về kéo dài năm học, cách thức thi cử
Năm học 2021 - 2022, học sinh mất đứt học kỳ 1 không được đến trường. Rất có thể tháng đầu học kỳ 2 cũng không khá hơn. Chất lượng học tập của học sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, theo tôi một số vấn đề quan trọng của ngành giáo dục cần sớm phải bàn đến:
Thứ nhất, có nên kết thúc năm học vào cuối tháng 5/2022 hay không? Học trực tuyến, kiểm tra thường xuyên và định kỳ cũng trực tuyến, chất lượng sẽ ảo. Khi trạng thái “bình thường mới” được thiết lập nên có đợt tổng kiểm tra chất lượng để đánh giá đúng thực chất. Từ đó, các địa phương chủ động xác định thời gian kết thúc năm học thích hợp.
Thứ hai, thi tốt nghiệp THPT 2022 theo hình thức nào, bao nhiêu môn thi, thi vào lúc nào? Cần quan tâm đến lứa học sinh lớp 12 năm nay chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 cả 3 năm học.
Thứ ba, thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022 - 2023 với những môn nào? Lứa học sinh lớp 9 năm nay không những chịu ảnh hưởng dịch suốt 3 năm, còn là lứa học sinh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới trong năm học tới. Sang năm, học sinh lớp 10 bước vào “Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp”, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, nội dung giáo dục của địa phương.
Các môn như: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hoá học, Sinh học… là những môn học lựa chọn, học sinh có thể không học một số môn trong các môn này. Vì thế, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm tới có nên chọn các môn này không?
Ví dụ, tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021 - 2022, Hà Nội thi 4 môn: 3 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ; môn thứ tư là một trong các môn: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Vật lý, Hoá học và Sinh học được chọn vào cuối tháng 3/2021. Hà Nội có tiếp tục thi môn thứ tư theo cách này nữa không?
Cả ba vấn đề ở trên, Bộ GD-ĐT và UBND các tỉnh, thành cần sớm quyết định cụ thể để các cơ sở giáo dục, phụ huynh và học sinh có thời gian chuẩn bị.
Trốn dịch đến bao giờ?
Mỗi lần dịch bùng phát, ngành Y tế tập trung lực lượng chống dịch, còn ngành Giáo dục thì sao? Thầy trò chẳng còn cách nào khác là bảo nhau ở nhà dạy và học online. Như thế gọi là “trốn dịch” để duy trì việc học.
Lần này trốn lâu quá, không còn trốn tạm thời nữa! 8 tháng đóng cửa trường, thầy trò kiên trì ở nhà "trốn dịch".
Trải qua 4 lần dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã có bài học sâu sắc để thay đổi thích ứng an toàn, phòng, chống dịch có hiệu quả. Với chiến dịch tiêm chủng vaccine tích cực, đến nay đã đạt chỉ tiêu miễn dịch cộng đồng ở mức khá cao. Nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đã hoạt động trở lại. Nhiều địa phương là tâm dịch trong thời gian qua đã từng bước thí điểm mở cửa từng phần các trường học.
Trở ngại lớn nhất hiện nay là tâm lý lo lắng của phụ huynh khi cho con trở lại trường học. Lo con nhiễm bệnh trở thành F0 chỉ một phần nhưng lo nhiều hơn khi con trở thành F1, F2 rồi phải đi cách ly tập trung nơi này, nơi khác. Vì vậy, các địa phương, các trường học phải bình tĩnh, có cách ứng xử với F0, F1, F2 xuất hiện trong trường một cách hợp lý để phụ huynh yên tâm.
Các con ở nhà quá lâu, học online không những bị hạn chế rất nhiều về kiến thức, kỹ năng mà còn bị tổn thương về thể chất, tinh thần. Quý vị phụ huynh cần vượt qua nỗi lo, tỉnh táo và yên tâm cho con trẻ đến trường khi địa phương có điều kiện thích hợp.
Đóng cửa trường mãi sao? Các con phải "trốn dịch" đến bao giờ?
Thầy Nguyễn Xuân Khang