Sáng 2/6, các thầy cô và CMHS MC đã có buổi tọa đàm cùng Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Mở đầu tọa đàm, GS Nguyễn Minh Thuyết đã giới thiệu tới các thầy cô và CMHS MC những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Theo đó, các môn học theo chương trình mới sẽ được phân chia thành 2 loại: Môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn.
Đối với cấp Tiểu học, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Nghệ thuật, Ngoại ngữ 1 (đối với lớp 3,4,5), Giáo dục thể chất, Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất. Môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2).
Còn ở cấp THCS, các môn học bắt buộc là: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn.
Ở cấp THPT các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh. Các môn học lựa chọn: theo nhóm Khoa học Xã hội (gồm các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý), nhóm Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, chương trình giáo dục phổ thông mới có mục tiêu chính là phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Đó là nhóm năng lực chung, gồm có: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác giải quyết vấn đề và năng lực sáng tạo. Ngoài ra, chương trình cũng hướng tới phát triển nhóm năng lực đặt thù bao gồm năng lực ngôn ngữ, tính toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội, công nghệ, tin học, thẩm mỹ và thể chất.
Cũng tại buổi tọa đàm, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết dành nhiều thời gian giải đáp những trăn trở của các thầy cô và CMHS.
Trước quan điểm của thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie cho rằng môn Giáo dục quốc phòng nên tập trung dạy trong 1 tuần thì sẽ hiệu quả hơn dạy 1 tiết/tuần, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết: "Với môn Giáo dục quốc phòng, học sinh phải rèn luyện liên tục mới thuần thục được. Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ không quy định 1 tuần có bao nhiêu tiết mà chỉ quy định 1 năm có bao nhiêu tiết".
Cô Thái Lê (GV Ngữ văn) phát biểu: "Tôi thấy trong chương trình giáo dục phổ thông mới đề cập tới đổi mới SGK, phương pháp giảng dạy và con người nhưng chưa thấy nói đến đổi mới cơ chế thi cử. Ví dụ như có thi vào lớp 6 không? Nếu đổi mới chương trình mà không đổi mới thi cử thì giáo viên và học sinh vẫn ở tình trạng dạy gì thi nấy". Trước ý kiến này, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết: "Chắc chắn sẽ phải đổi mới thi cử vì không đổi mới thì chương trình giáo dục phổ thông sắp tới sẽ không thể thành công".
Thầy Đức Vượng (GV Tin học) chia sẻ những khó khăn trong giảng dạy theo SGK môn Tin học. "Trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển rất nhanh, các phiên bản tin học có thể đổi mới 2-3 phiên bản/năm. SGK từ lúc nghiên cứu đến lúc đưa vào giảng dạy mất 5-7 năm. Chúng tôi dạy theo SGK thì rất lạc hậu. Nhiều học sinh bảo máy tính nhà em không có phiên bản đó để thực hành. Nhưng nếu giáo viên dạy theo phiên bản mới thì lại sai hoàn toàn so với SGK hiện hành. Vậy, nên chăng có một bộ phận chuyên nghiên cứu soạn thảo SGK Tin học để phù hợp với thực tiễn. Ví dụ SGK phiên bản cũ cho vùng sâu vùng xa - nơi chưa có máy tính hiện đại. Nhưng ở những trường có hệ thống máy tính hiện đại có thể dùng phiên bản mới".
"Chúng tôi cũng đã rất chú ý tới vấn đề này. Vì các phiên bản tin học thay đổi rất nhanh nên chúng tôi sẽ đề ra các nội dung cốt yếu, còn trong thực tế dùng phần mềm nào là do các địa phương lựa chọn cho phù hợp", Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói.
Đại diện cho CMHS MC, chú Quang Tú cho biết: "Tôi cảm ơn nhà trường đã tạo điều kiện cho các CMHS tham gia buổi tọa đàm rất bổ ích. Tôi cũng cảm ơn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết. Tôi đặt rất nhiều kỳ vọng vào chương trình giáo dục phổ thông mới, giúp cho sự thay đổi tích cực nền giáo dục Việt Nam trong tương lai".