Trong buổi khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông giai đoạn 2012 - 2017, bác Hoàng Thị Hoa (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) đánh giá: "Học sinh Marie Curie mạnh dạn, dám nói thẳng, nói thật suy nghĩ của mình. Điều này thể hiện sự dân chủ trong trường học rất tốt. Đây là mục tiêu mà ngành Giáo dục hướng đến".
Chiều 8/5, thầy trò MC vui mừng đón tiếp đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tới tọa đàm về chương trình SGK giáo dục phổ thông.
Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang, từ trước năm 2017, nhà trường chỉ chọn duy nhất một bộ SGK do Bộ GD&ĐT biên soạn. Bởi đây là bộ sách phổ biến nhất trên toàn quốc. Sau khi thông báo kết quả khảo sát ý kiến của giáo viên, CMHS và các MCer về bộ SGK nhà trường đang triển khai giảng dạy, thầy Nguyễn Xuân Khang chân thành và thẳng thắn chia sẻ những bất cập còn tồn tại trong việc triển khai giảng dạy theo chương trình SGK đó. "Chương trình giáo dục phổ thông quá nhiều môn học; chương trình của từng môn học rất nặng nề, nhiều nội dung mang tính hàn lâm, xa rời thực tế; SGK thể hiện chương trình môn học viết quá dài dòng, tỉ mỉ đến mức không cần thiết. Bởi vậy, giáo viên và học sinh không đủ thời gian để giảng bài và học bài, tốn nhiều công sức. Dạy để thi, học để thi! Thi xong nhiều kiến thức không dùng đến và quên gần hết", thầy Khang nói.
"Nghị quyết của Đảng: "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo" là rất đúng! Trong đó, đổi mới căn bản chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình các môn học vô cùng quan trọng. Cần phải trả lời đúng và rõ ràng 3 câu hỏi: học để làm gì? học cái gì? học như thế nào?", thầy Hiệu trưởng trường Marie Curie kiến nghị.
Đồng tình với những trăn trở của thầy Nguyễn Xuân Khang, bác Hoàng Thị Hoa nhận định: "Kiến thức của nhiều môn học còn nặng. Có những kiến thức ở bậc Đại học lại đưa vào bậc giáo dục phổ thông. Tới đây, các môn học nói chung đều phải giảm tải".
Tiếp đó, các Đại biểu Quốc hội trong đoàn khảo sát đã đưa ra những câu hỏi với mong muốn các thầy cô, CMHS và MCer chia sẻ cụ thể hơn về những nhận định của mình đối với chương trình SGK hiện nay.
Cô Hải Quế (GV Toán) bày tỏ: "Tôi thấy SGK Toán hiện tại không quá nặng kiến thức. Nếu học sinh học nghiêm túc trên lớp, giáo viên hướng dẫn nhiệt tình thì vẫn nắm được bài giảng. Tuy nhiên, có những kiến thức đưa vào quá sớm, lửng lơ, sau đó không dùng đến".
"Chương trình môn Toán hiện tại khá khô khan, thiếu tính thực tiễn và chưa gây hứng thú cho học sinh. Nhiều lúc học sinh hỏi: "Cô ơi! Học toán để làm gì ạ?". Tôi rất khó có câu trả lời cho các em vì đôi khi bản thân tôi cũng không biết học nhiều như thế để làm gì. Tôi mong muốn bộ SGK mới sẽ giảm tải lượng kiến thức, chú ý phát triển năng lực tư duy nhiều hơn là phát triển năng lực tính toán; đồng thời bổ sung những bài toán thực tế vào bài tập và đưa thêm những câu chuyện về lịch sử Toán học vì học sinh cũng cần biết những định lý từ đâu mà có... Tôi rất trăn trở về vấn đề thi trắc nghiệm. Hiện chúng tôi phải dạy cho học sinh kiến thức nặng hơn gấp 5 lần SGK thì các em mới có thể thi được đại học. Bây giờ rất nhiều thầy cô sẽ không thể giải nổi những câu hỏi trắc nghiệm trong đề thi minh họa. Tôi rất yêu toán nhưng từ khi có thi trắc nghiệm, hai năm nay, tôi thường xuyên phải học toán mới có thể giải được những bài toán trắc nghiệm như thế. Học sinh làm sao có thể làm được 50 câu trắc nghiệm trong vòng 90 phút...", cô Minh Thùy (GV Toán) trăn trở.
Đại diện cho MCer THCS, Hồng My (8M1) mạnh dạn chia sẻ: “Con thấy nội dung SGK hiện tại không quá nhiều nhưng có những bài không liên quan đến thực tiễn nên khó liên hệ!".
Thùy Trang (11M2) rất băn khoăn về thi tổ hợp tốt nghiệp THPT Quốc gia. "Theo con biết, trước đây, khi chưa thi tổ hợp thì trong buổi sáng chỉ thi 1 môn. Sau này, khi có chương trình thi tổ hợp thì một buổi phải thi tới 3 môn. Điều này gây nhiều áp lực học tập cho chúng con bởi thi trắc nghiệm đòi hỏi nhiều kiến thức", Thùy Trang nói.
Nhật Minh (11G) cho rằng, kiến thức giáo dục phổ thông hiện nay vừa nặng vừa thừa. Học sinh chỉ quan tâm học để làm gì và kiến thức sẽ được áp dụng vào thực tiễn như thế nào.
Cô Hương Lan (Trưởng hội CMHS khối THCS; mẹ của Minh Anh, 8P1) chia sẻ: “Tôi hoang mang khi nghe phương án thi vào lớp 10 của Hà Nội. Đành rằng phải học đều nhưng học để thi tốt nghiệp lại rất nặng nề. Khi ngành GD&ĐT đưa ra quyết định gì thì cần cân nhắc kỹ lưỡng, tham khảo ý kiến từ nhiều phía rồi mới triển khai!".
Kết thúc buổi tọa đàm, bác Hoàng Thị Hoa (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho biết : "Chúng tôi thấy có trách nhiệm để chương trình SGK mới vừa sức với học sinh, không bị áp lực thi cử. Học sinh hào hứng học, chứ không bị ép buộc. Chúng tôi ghi nhận các ý kiến của thầy Khang, các CMHS và học sinh. Đó là những nguyện vọng, trăn trở, băn khoăn xác đáng".