Làm thế nào để trở thành một diễn viên tài năng, một “dancer” mạnh mẽ, một “basketball player” “rực cháy”, một “flyer” dẻo dai trong màn “cheerleading”? Chúng mình hãy cùng tìm hiểu câu chuyện của 4 cựu MCer trong hành trình tìm kiếm sân khấu để tỏa sáng nhé!
Profile * Phan Ngọc Châu Giang (CHS M1, 14 - 18; lớp 12 Sử, THPT chuyên Hà Nội -Amsterdam): cựu thành viên CLB Life’s So Drama, diễn viên chính trong vở “Mẹ điên” tại Bán kết cuộc thi “Ams’s Got Talent”, diễn viên phụ trong “On stage 2019”: Di họa. * Phạm Hà Trang (CHS I1, 14 - 18; lớp 12 Anh, THPT chuyên Ngoại ngữ): một “dancer” năng động kiêm thành viên ban điều hành “CNN Dance Club”; tham gia biểu diễn các sự kiện: Ten Plus 2019 (Chương trình định hướng và phát triển cho tân học sinh CNN), Gala Dinner: ASEAN-CHINA-UNDP Symposium, kỷ niệm 50 năm thành lập trường Chuyên ngữ, High School Best Dance Crew 2020. * Trần Minh Đức (CHS G3, 14 - 18; lớp 12, THPT Lương Thế Vinh): từng tham gia giải bóng rổ học sinh Hà Nội, Highschool Elite Tournament, Hanoi Basketball League. * Nguyễn Huyền Anh (CHS I2, 15 - 19; lớp 11 Nga, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam): đảm nhận vị trí “flyer” tại CLB Cheer Ams, từng tham gia biểu diễn tại Bán kết “Ams’s Got Talent 2019”. |
Để tỏa sáng, chắc chắn không thể thiếu những giọt mồ hôi, nước mắt. Hành trình tìm kiếm sân khấu của các bạn cũng như vậy chứ?
Châu Giang: Từng vai diễn đều cần sự tâm huyết của diễn viên. Vai diễn để lại ấn tượng nhất với mình là người mẹ điên trong vở kịch “Mẹ điên” tại Bán kết “Ams’s Got Talent”. Đây là vai chính đầu tiên mà mình đảm nhận. Dù chưa có nhiều kinh nghiệm diễn xuất nhưng khi được các anh, chị tin tưởng giao phó, mình đã rất cố gắng để chứng tỏ bản thân. Người mẹ điên là vai khó vì phải lột tả được sự “điên”, cũng như tình mẫu tử một cách tự nhiên nhất. Từ vai diễn này, mình đã có được nhiều kinh nghiệm và kiến thức, không chỉ về diễn xuất mà còn ở việc dàn dựng một vở kịch.
Châu Giang (CHS M1, 14 - 18)
Hà Trang: Ban đầu, trước khi tập nhảy, mình đều bị bắt giãn cơ khá lâu trong 30 - 45 phút. Vậy nên sau những buổi tập, mình đau đến nỗi không ra khỏi giường nổi vào hôm sau. Nhưng qua thời gian tập luyện không ngừng nghỉ, mình không còn cảm giác đau nữa. Khó khăn khác là sở thích nhảy của mình xuất phát từ “cover” Kpop nên việc tự biên, tự diễn một bài nhạc không hề dễ dàng. Mình lúng túng và tìm cách khắc phục bằng việc xem video của các “dancer”, học hỏi cái hay của họ và chăm chỉ luyện tập. Tận dụng lúc rảnh rỗi, mình nhảy “freestyle” một vài bài để cảm nhạc.
Hà Trang (CHS I1, 14 - 18)
Minh Đức: Dù đã có nhiều giải thưởng bóng rổ nhưng đến năm lớp 9, mình mới thực sự đam mê với trái bóng cam. Mình mê đến nỗi ăn, ngủ đều không rời trái bóng. Khó khăn mà mình gặp phải là chấn thương, lần nặng nhất là bị đứt bán dây chằng. Khi đó, mình đau tới mức không ăn, không ngủ được và cấm hoạt động mạnh trong 4 tháng. Thời gian đó, mình phải đi điều trị, đắp thuốc hàng tuần và ngồi ngoài sân quan sát mọi người thi đấu; khiến mình chán nản vô cùng, muốn buông xuôi. Mình còn bị “stress” khi thấy nhiều bạn nỗ lực tập luyện và vượt qua mình. Mọi thứ tưởng chừng vụt tắt thì một ngày, mình nhận ra, khó khăn chính là động lực để bản thân tiến lên. Mình cố gắng bắt đầu lại với những bài tập phục hồi, giãn cơ rồi dần chơi bóng.
Minh Đức (CHS G3, 14 - 18)
Huyền Anh: “Cheerleading” là bộ môn cổ động, cổ vũ còn mới lạ với học sinh hiện nay. Những bài biểu diễn trên nền nhạc sôi động luôn mang đến không khí rộn ràng, hào hứng nhằm cổ vũ tinh thần cho các cầu thủ hay tiếp lửa cho người xem trong các trận bóng. “Cheerleading” yêu cầu nhiều kỹ thuật nâng cao và rất thú vị. Một bài diễn thường có 3 vị trí là “baser”, “cheerleader” và “flyer”. “Cheerleader” sẽ nhảy, còn “baser” và “flyer” sẽ thực hiện các “stunt”/chồng tháp hoặc nhào lộn.
Huyền Anh (CHS I2, 15 - 19)
Một “flyer” phải làm quen với việc chồng tháp. Tháp được tạo bởi 4 “baser” ở dưới và “flyer” ở trên. Các “baser” giúp “flyer” lấy đà để nhảy lên, lộn vòng và là bệ đỡ khi “flyer” hoàn thành phần biểu diễn. Nếu mất tập trung thì “flyer” chẳng bao giờ lên tháp và đứng vững được. Hơn nữa, bất kỳ “flyer” nào cũng phải đối mặt với nỗi sợ chấn thương. Mình cũng từng trải qua nhiều chấn thương; nhất là thời gian đầu mới tập, ngã nhiều lắm, chỗ nào cũng có vết trầy xước. Bí quyết giúp mình đánh bay nỗi sợ là luôn mỉm cười. Mình luôn giữ thái độ tích cực, lạc quan để lan tỏa tinh thần ấy cho các cầu thủ; đồng thời tập trung cao độ khi thực hiện động tác để đảm bảo độ chính xác, an toàn và ăn ý với các thành viên trong đội.
Theo các bạn, yếu tố nào quan trọng nhất trong việc tỏa sáng trên sân khấu?
Châu Giang: “Liệu một diễn viên giỏi có cần một ngoại hình đẹp?”. Theo mình, khái niệm đẹp với người diễn viên là gương mặt hợp sân khấu, máy quay. Lợi thế này sẽ giúp các đường nét trên gương mặt biểu lộ cảm xúc tốt hơn. Còn ngoại hình sẽ được đánh giá ở khía cạnh có phù hợp với vai diễn mà kịch bản hướng tới không. Nhưng hóa trang, “make up” sẽ hỗ trợ điều này nên thần thái trong diễn xuất mới là yếu tố quyết định bạn có thành công trong việc lột tả nhân vật hay không.
Để nhập tâm vào vai diễn, bạn phải tìm hiểu thật kỹ về tính tình, cách hành xử của nhân vật. Ví dụ, khi nhận vai người mẹ điên, mình dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu hành động của họ, xem video của các nhân vật tương tự như: Arnie (cậu bé bị chậm phát triển trong “What’s Eating Gilbert Grape”), Thuý Vân giả dại do cô Thuý Ngần thủ vai. Mình chú ý từ những chi tiết nhỏ nhất; từ dáng đi, vị trí tay, chân đến giọng nói, cử động mắt... Do đó, yếu tố mà mình đặc biệt nhấn mạnh là sự tìm tòi khám phá, chăm chỉ tập luyện.
Hà Trang: Để trở thành một “dancer” giỏi không nhất thiết phải có một “body” đẹp. Thực tế, nhiều “dancer” có ngoại hình không chuẩn nhưng vẫn nổi tiếng với phong cách riêng như: Henry Link - “vị thánh sống” của hiphop, có thân hình tương đối tròn trĩnh hay Parris Goebel cũng vậy. Bản thân mình từng tự ti về ngoại hình nhưng khi dấn thân vào nhảy, mình nhận ra, chẳng ai để ý tới khuyết điểm trên cơ thể bạn, họ chỉ quan tâm đến phong thái, kỹ năng của bạn.
Bên cạnh yếu tố chuyên môn và kỹ thuật, điều kiện tiên quyết tạo nên bài nhảy thu hút, lôi cuốn chính là phong thái. Nét biểu cảm, sự tự tin, cách phiêu “beat”, chuyển động cơ thể theo nhạc… đòi hỏi sự chăm chỉ tập luyện, kinh nghiệm, chất riêng mà bạn phải tự tìm ra và phát triển nó.
Minh Đức: Với mình, điều tuyệt vời nhất khi chơi bóng rổ là được thỏa mãn đam mê, xả “stress”. Mình từng bị gia đình phản đối vì để việc luyện tập ảnh hưởng đến chuyện học. Lúc ấy, mình lập tức xem lại bản thân, cân bằng giữa học và chơi. Vì thế, bạn hãy xác định rõ mục tiêu phấn đấu, giữ vững phong độ học tập bởi đó là chìa khóa thuyết phục bố mẹ cho bạn theo đuổi sở thích.
Huyền Anh: Theo mình, 3 yếu tố quyết định để trở thành “flyer” là thể lực, sự dẻo dai, tự tin. Bài tập của “cheerleading” rất nặng và thời gian tập thường kéo dài hơn một tháng. Nếu không có thể lực bền bỉ, bạn khó theo được cường độ dày đặc này. Bên cạnh đó, sự dẻo dai của “flyer” sẽ quyết định ít nhiều thành công cho bài diễn. Để luyện tập, mình thường lên YouTube tìm và tập những bài yoga. Ngoài ra, điều kiện cần để trở thành “flyer” là phải biết nhảy ở trình độ cơ bản. Trở thành một “flyer” không quá khó, quan trọng là sự cố gắng và đam mê của bạn dành cho bộ môn này ra sao.
THIÊN AN
(CHS M1, 14 - 18)