14 năm gắn bó với công việc quay phim tại Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam (THVN), anh Đỗ Cường Việt (CHS 95 - 02) đã góp phần mang đến cho khán giả những bộ phim và chương trình gây tiếng vang lớn như: Lửa ấm, Cả một đời ân oán, Hoa hồng trên ngực trái, Cảnh sát hình sự, Táo quân, Gặp nhau cuối năm hay Bố ơi, mình đi đâu thế?... Những chia sẻ của anh sẽ giúp MCer hình dung rõ hơn về nghề nghiệp thú vị này.
Chặng đường dấn thân
Năm 2006, anh Cường Việt tốt nghiệp khóa 22 chuyên ngành Quay phim Điện ảnh, ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Năm đó, anh đỗ Thủ khoa kỳ thi tuyển chọn vào Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài THVN. Để có được thành quả ấy, từ năm 2003, anh mạnh dạn xin làm cộng tác viên, theo đoàn đi phụ quay nhằm học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm. Anh nói, do gia đình có truyền thống theo nghề này nên tình yêu với quay phim ngấm vào anh từ lúc nào không hay. Càng học hỏi, trải nghiệm và dấn thân vào những thử thách, anh càng yêu công việc. Anh không chỉ xem đây là nghề kiếm sống mà còn “sống chết”, “buồn vui” với nó.
Để một bộ phim, chương trình ra mắt công chúng, đòi hỏi sự làm việc tận tụy, tâm huyết của nhiều bộ phận, trong đó phải kể tới những con người hy sinh thầm lặng ở hậu trường. Họ không được công chúng biết đến nhiều như: diễn viên, đạo diễn, MC… nhưng vẫn luôn âm thầm cống hiến hết mình để mang lại những sản phẩm chất lượng nhất cho khán giả.
“Nghề nào cũng có khó khăn riêng. Đặc trưng của công việc này là hay phải đi công tác xa và lâu. Nhất là khi quay một bộ phim, phải đi 4 - 5 tháng liên tục. Với mình, việc không có ngày nghỉ lễ/cuối tuần, thức khuya dậy sớm, ăn uống không điều độ… là chuyện bình thường. Vì vậy, gia đình quá quen với việc mình “mất hút” nhiều ngày hay thường về nhà lúc tối muộn trong trạng thái cơ thể nhức mỏi rã rời. Nghề quay phim có đặc điểm là phải làm việc với nhiều người, nhiều tính cách khác nhau. Thế nên với mỗi người, mình cần có cách giao tiếp phù hợp để tránh va chạm, “stress”… Thú thực là nhiều lúc đối diện với áp lực từ nhiều phía hay tốc độ làm việc để phim kịp lên sóng, mình căng thẳng đến nỗi đầu muốn nổ tung”, anh Cường Việt trải lòng.
Đối với anh, những chuyến công tác nước ngoài là cơn ác mộng. Anh nhớ đợt ghi hình chương trình thực tế ở Indonesia, đội quay phải vác máy phim liên tục từ 7h sáng đến 11h đêm. Nhưng có lẽ vất vả nhất là chương trình “Bố ơi, mình đi đâu thế?”. Có những đợt quay 7 - 10 ngày liền, anh và ê - kíp phải di chuyển mấy trăm cây số, làm việc từ 4h sáng đến 0h đêm. Một ngày, anh chỉ ngủ 4 tiếng, còn lại là ôm máy đi theo các cặp bố con. Có lần, anh bị trẹo chân nhưng vẫn vừa buộc chai nước đá vừa quay hình nên đến đêm, chân sưng vù. Rồi có đợt làm phim chiến tranh, đội quay không khỏi giật mình khi nửa cân TNT phát nổ ngay dưới chân cần cẩu.
Khi được hỏi về “bí kíp” giúp vượt qua những khó khăn ấy, anh cười, nói: “Chẳng phải điều gì đao to, búa lớn mà chính là sự thích nghi tốt của bản thân trong mọi hoàn cảnh làm việc. Có lẽ vì thế mà mình dễ dàng trở lại cuộc sống khi hoàn thành công việc. Sau mỗi đợt làm phim, mình dành 90% thời gian cho gia đình. Mình thường đưa cả nhà đi du lịch để nạp lại năng lượng và tận hưởng khoảng thời gian bên nhau”.
Đích đến thú vị
Nghề quay phim mang tới cho anh nhiều trải nghiệm có “1 - 0 - 2” mà không phải ai cũng được trải qua. Anh đã đến nhiều nơi trong nước lẫn nước ngoài, được gặp nhiều người và trải nghiệm văn hóa của nhiều vùng miền... Mỗi nơi đi qua đều để lại cho anh những bài học, kinh nghiệm, vốn hiểu biết, cũng như kỷ niệm đáng nhớ.
Đến giờ, anh không quên được 5 tháng đi quay tại Hà Giang, nơi địa đầu của Tổ quốc với bộ phim phản ánh cuộc sống của đồng bào H’Mông. Sáng sớm, nhiệt độ xuống 2 - 3 độ C, anh vừa quay phim vừa rét run cầm cập. Cả đoàn nhớ mãi buổi sáng hôm ấy, khi mở mắt ra thì thấy tuyết rơi. Nhiệt độ lúc ấy là - 7 độ C. Mọi người hú hét ầm ĩ, vội chạy ra ngoài “check in”. Kỷ niệm khó quên khác trong chuyến đi ấy là khi tiến hành ghi hình tại rừng. “Đang quay thì diễn viên chỉ xuống chân mình, nói: “Con rắn ở gần chân em kìa”. Lúc đó, dù sợ tái mét mặt nhưng mình vẫn bình tĩnh chốt máy rồi ba chân, bốn cẳng chạy”, anh kể.
Theo anh Cường Việt, điều thú vị của công việc này là mỗi bộ phim đề cập đến một vấn đề xã hội, tiếp cận với những đặc thù riêng của các ngành nghề (phim về công an, dân công sở, gia đình…). Vì vậy, người làm phim phải chịu khó tìm hiểu kiến thức để tái hiện câu chuyện ấy một cách chân thực, sống động và gần gũi nhất.
Đưa ra lời khuyên cho những MCer có ý định theo nghề quay phim, anh chia sẻ: “Hiện các bạn có rất nhiều thiết bị quay, chụp. Chỉ với chiếc điện thoại smartphone, các bạn đã có thể tiếp cận việc làm phim mọi lúc, mọi nơi. Nếu muốn đi theo con đường chuyên nghiệp, các bạn phải tham gia các khóa đào tạo chính khóa, sau đó đi thực tập để cọ xát thực tế. Phải trải nghiệm thì các bạn mới biết mình có phù hợp và theo được nghề hay không. Nghề quay, nếu chưa trải qua thực tiễn thì chưa biết nó khắc nghiệt đến thế nào. Mọi vất vả, áp lực, cám dỗ, ảnh hưởng tới sức khỏe, mối quan hệ trong gia đình… đều có. Nhưng chưa bao giờ mình có ý định từ bỏ. Bởi mình quan niệm rằng, mỗi người có một cuộc đời, đã đi rồi thì không thể quay lại. Khi đã “xỏ chân vào giày” thì dù trong đó là bùn, nước, đất hay đá thì mình vẫn phải bước và cố gắng bước tới chỗ tốt nhất có thể. Mỏi chân thì tạm dừng nghỉ rồi mình lại đi tiếp”.
Trong 12 năm phổ thông, mình có đến 7 năm gắn bó với MC. Đó thực sự là khoảng thời gian đẹp nhất, có nhiều kỷ niệm nhất. Nhớ năm 2002, mình tập tành làm video về lớp để in đĩa phim làm kỷ niệm. Hồi đó, mình cùng một người bạn tự lên kịch bản quay với đầy đủ nội dung rồi tuyển chọn người dẫn chương trình… Chỉ với chiếc máy quay nhỏ, hai đứa làm phim không chuyên đã mày mò tự quay, dựng để cho ra đời sản phẩm tặng cả lớp.
Đối với mình, MC là nơi có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời. Vì thế, hội khóa 95 - 99 mang tên “Gọi ký ức quay về” đã được chúng mình tổ chức để gặp lại thầy cô, bạn bè thuở nào. Sau gần 20 năm ra trường, chúng mình may mắn có cơ hội trở về tuổi học trò; sống lại những ký ức đẹp đẽ, thơ mộng, vô tư ấy lần nữa. |