Những cặp đôi được “se duyên” từ Marie Curie

Marie Curie không chỉ là mái trường gắn liền với tuổi học trò thơ mộng, kỷ niệm tình bạn đáng nhớ mà còn là nơi “se duyên” cho các cặp đôi nên vợ, nên chồng. 

Cặp đôi “trai tài, gái sắc” lớp M

Đã hơn 20 năm lứa học trò 93 - 96 ra trường nhưng cô Nguyễn Hồng Mai (GV Địa) vẫn không khỏi bồi hồi khi kể lại chuyện tình đẹp như mơ của các học trò cũ. Một trong số đó là cặp đôi Hồ Chí Kiên và Nguyễn Minh Chi (CHS M, 93 - 96). “Hai bạn đều học giỏi và rất sôi nổi. Minh Chi điềm đạm, giản dị, nhẹ nhàng, dễ mến, tài năng và học môn Hóa rất giỏi. Còn “hotboy” Chí Kiên vui tính, đa tài, chơi guitar cực hay và vẽ rất đẹp. Bức tranh sơn dầu do cậu vẽ được treo trang trọng ở văn phòng trường ngày ấy”, cô Hồng Mai cho biết.

Cô Minh Chi tâm sự: “Hiện mình vẫn lưu giữ ảnh, lưu bút của bốn năm học ở MC. Mình cảm thấy may mắn khi được học ngôi trường này. Vào thời điểm đó, MC tạo ra sự khác biệt rất lớn so với các trường khác. Hồi ấy, rất ít trường có tư tưởng cải tiến, tiếp cận nền giáo dục hiện đại và nhiều hoạt động ngoại khóa như MC. Đặc biệt, nơi đây có rất nhiều thầy cô giỏi, tâm huyết, giàu kinh nghiệm như: thầy Thiện, thầy Tôn Thân, thầy Hữu Vinh, thầy Thống Nhất, cô Minh Ngọc, thầy Duy Thọ, cô Hồng Mai, cô Yến Thơ, cô Như Phương… Ngoài việc truyền đạt kiến thức tới học trò, các thầy cô còn là những “chuyên gia gỡ rối tâm lý”; những người cha, người mẹ thứ hai ở trường. Các thầy cô không chỉ định hướng mà còn là chỗ dựa tinh thần cho tụi mình. Đến giờ, dù đã ra trường nhưng thầy trò vẫn gần gũi, thân thiết như người thân trong gia đình. Chúng mình có thể thoải mái chia sẻ với thầy cô mọi chuyện trong cuộc sống. Đó là niềm hạnh phúc và may mắn mà không phải ai cũng có được”.

Hai cô chú kể thêm, từ ngày ấy, học trò MC đã được học tập, thương yêu và trưởng thành trong môi trường an toàn, giàu tính nhân văn nên rất vững vàng và tự tin đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống. Lớp M thuở ấy quy tụ nhiều nhân tài Toán, Lý, Hóa và sở hữu bảng thành tích đáng nể. Điển hình như: Thái Hà, Tường Vân, Minh Thùy, Trung Hằng... đều giành giải quốc tế, quốc gia. “Thời ấy rất vui, học ra học, chơi ra chơi. Tuy là dân Toán nhưng tụi mình bày ra nhiều trò nghịch ngợm lắm, sống cũng rất tình cảm nên có nhiều kỷ niệm đáng nhớ”, cô Minh Chi kể.

Bắt đầu từ một tình bạn đẹp ở MC, cô chú đã nên duyên vợ chồng. Hai cô chú chia sẻ: “MC là nơi nảy nở, vun đắp cho mối tình đẹp ấy. Ngày đó vô tư, trong sáng, hai người chỉ âm thầm thích nhau, chứ không dám thổ lộ. Chuyện của chúng mình cũng chưa có gì sâu đậm, rõ ràng, chỉ thoáng nhận ra qua những câu đùa vu vơ của hội bạn thân trong lớp. Lúc ấy, hai đứa chỉ đỏ mặt ngại ngùng, chứ không dám thừa nhận”.

Tình cảm tuổi ô mai là những cảm nhận nhẹ nhàng thông qua những cử chỉ, hành động quan tâm nho nhỏ thường ngày. Không có tin nhắn Facebook hay điện thoại như thời nay, cũng không có những dòng thư tay viết vội khẽ giấu trong ngăn bàn. Chỉ đơn giản là những lần trò chuyện khi tham gia các hoạt động ngoại khóa, thể thao, dã ngoại do trường, lớp tổ chức. Nhưng nhờ đó, tình bạn thêm gắn kết, bền chặt.

“Anh Kiên ngày ấy đẹp trai, nhiều tài lẻ như: chơi đàn guitar, hát, vẽ, đá bóng nên được nhiều bạn nữ thích. Anh còn nhận được thư tay tỏ tình của các bạn gái trường khác”, cô Minh Chi kể.

Nhận xét về “một nửa” của mình, chú Chí Kiên nói: “Ngày ấy, lớp M chỉ có vài bạn nữ nên được hội con trai cưng chiều lắm! Mình ấn tượng với Minh Chi bởi cô ấy đặc biệt; vừa học giỏi, chơi đàn piano hay, lại kiêu kiêu, lạnh lùng. Thực ra, hai đứa đều có tình cảm nhưng kiểu như “giấu chùm hoa trong chiếc khăn tay”. Mình không dám thổ lộ trực tiếp vì sợ bị từ chối nên chỉ âm thầm thích thôi”.

Ngày ấy, để gây ấn tượng trong dịp sinh nhật cô Minh Chi, chú Chí Kiên đã “thăm dò” cô Hồng Mai về sở thích của cô bạn cùng lớp từ bản “tự bạch”. Sự kín đáo, tế nhị thể hiện tình cảm qua bản guitar của chú đã ghi điểm trong mắt cô Minh Chi.

Vì “mặt trong như đã, mặt ngoài còn e” nên những cử chỉ, hành động quan tâm nho nhỏ cũng khiến cặp đôi này ngượng ngùng, e thẹn. “Những tình cảm trong sáng ở MC vẫn được chúng mình lưu giữ. Đó cũng là mối tình đầu của cuộc đời, được bắt đầu và nuôi dưỡng từ MC. Chúng mình hạnh phúc hơn những cặp đôi khác vì có ký ức đẹp bên nhau dưới cùng một mái trường. Chính những kỷ niệm ấy là động lực để chúng mình đến với nhau và cùng vượt qua sóng gió cuộc đời trong những năm tháng về sau”, cặp đôi lớp M chia sẻ.

Tình cảm cứ thế được nuôi dưỡng sau khi ra trường. Đến năm thứ hai đại học, hai cô chú chính thức yêu nhau. Một cô gái ĐH Luật và một chàng trai ĐH Xây dựng cập bến bờ hạnh phúc. Đến giờ, khi đã có gia đình nhỏ hạnh phúc, cô chú vẫn thỉnh thoảng kể cho hai con nghe về “chuyện tình Marie Curie”.

“Qua nhiều năm, mình vẫn luôn thấy ở thầy Khang sự tâm huyết với học trò. Thầy luôn mang hơi thở hiện đại, cập nhật xu thế vào ngôi trường Marie Curie. Ra trường hơn 20 năm nhưng chúng mình vẫn dõi theo các hoạt động của trường. Những dịp lễ hội hay kỷ niệm, hai vợ chồng vẫn tranh thủ về trường gặp lại thầy cô, bạn bè hàn huyên. Mình rất tự hào khi MC vẫn rất “hot” và ngày càng khang trang, hiện đại”, chú Chí Kiên và cô Minh Chi chia sẻ.

 

“MC không chỉ là nơi ươm mầm tài năng, là mảnh đất lặng lẽ dâng cho đời những nhành hoa nho nhỏ ngát hương mà còn là nơi nảy nở những rung động đầu đời, chuyện tình duyên hạnh phúc”, cô Hồng Mai chia sẻ.

 

Những bức thư tình xuyên biên giới

Sáu năm học chung trường, bốn năm hẹn hò, 14 năm “về chung một nhà” và hiện cùng làm việc tại MC, chú Việt Nam và cô Diệu Linh có rất nhiều điều để kể về mái trường này. Với cô chú, nơi đây đã trở thành ngôi nhà thứ hai từ bao giờ. Đặc biệt, hàng ngày chứng kiến hai con Quang Minh (7P1) và Linh Chi (4M1) vui vẻ đến trường là một trong những điều khiến hai cô chú cảm thấy hạnh phúc nhất.

Cô chú là một trong những học sinh khóa đầu tiên (92 - 95) của trường. Đã 25 năm trôi qua nhưng khi nhắc đến những năm tháng học trò ở MC, ký ức vẫn vẹn nguyên và chứa chan cảm xúc. Bởi ngôi trường này không chỉ cho cô chú kiến thức, tình cảm thầy trò, bạn bè mà còn là mối tình đầu, gia đình và công việc.

Cô Diệu Linh kể, thời cấp hai, hai người học chung lớp M; lên cấp ba, chú Việt Nam học lớp P, còn cô học lớp M (95 - 98) nhưng chẳng bao giờ dám nói chuyện. “Lúc ấy, thực ra chúng mình có ấn tượng, để ý nhau nhưng do bạn bè trêu nhiều nên thấy ngại, không dám thổ lộ. Cả nhóm thỉnh thoảng rủ nhau lên hồ Tây đạp vịt, đi chơi công viên Thủ Lệ hay đến nhà bạn bè tụ tập nấu nướng, ăn uống. Nhưng có điều đặc biệt là năm nào, anh Nam cũng tặng quà sinh nhật cho mình. Hiện mình vẫn giữ hộp nhạc phát bài “Fur Elise” năm lớp 10. Với mình, đó là kỷ vật tình yêu quý giá”, cô Diệu Linh tâm sự.

Cô Hồng Mai (GV Địa) kể thêm: “Diệu Linh ngày ấy là hoa khôi nhưng giản dị, hiền lành, ít nói; Việt Nam thì thông minh, đẹp trai, điềm đạm, từ tốn, làm việc chắc chắn và được rất nhiều bạn quý mến. Hồi học cấp ba, cặp đôi này chưa yêu nhau, chỉ mới là hai người bạn thân thiết”.

Tình cảm lớn dần qua năm tháng tuổi học trò. Tháng 5/1999, chú Việt Nam sang Úc du học. Cô Diệu Linh kể, trước lúc chia xa, cô chú cũng không hẹn ước gì. Năm 2000, khi về nước ăn Tết, chú gặp cô tỏ tình và chính thức nhận được cái gật đầu đồng ý của cô.

“Cách nhau nửa vòng Trái Đất, chúng mình chỉ có thể liên lạc qua những bức thư tay, thư điện tử hay cuộc điện thoại. Thời gian đầu chưa có mạng Internet, việc liên lạc rất khó nên có lần, hai đứa “buôn” một, hai tiếng đồng hồ. Đến giờ, mình vẫn giữ chồng thư tay ấy. Có lẽ, sự tin tưởng và tình cảm trong sáng được khởi nguồn, nuôi dưỡng từ MC đã giúp chúng mình duy trì tình yêu suốt chín năm xa nhau”, cô Diệu Linh nói thêm.

Trong con mắt của cô Diệu Linh, chú Việt Nam ngày ấy hiền lành, ít nói và chơi bóng bàn, bóng đá rất giỏi. Còn giờ có gia đình, chú ghi điểm cộng khi trở thành “người cha tâm lý và rất chịu khó đồng hành cùng hai con trên mọi lĩnh vực”. “Chúng mình mong muốn các con được phát triển toàn diện. Mình vẫn thường nói với con rằng, việc học văn hoá là nền tảng nhưng các môn ngoại khóa sẽ giúp ích cho các con suốt đời. Mình để hai con theo học tất cả các môn, từ đó tìm ra sở trường, phát triển lĩnh vực nổi bật và yêu thích nhất. Yếu tố quan trọng giúp con không bỏ cuộc chính là sự kiên trì. Lúc con còn nhỏ, để hình thành tính cách này, bố mẹ cần động viên, đặt ra các mục tiêu nhỏ, sau đó lớn dần để các con có động lực. Bố mẹ cũng cần theo sát lúc các con tập luyện, thi đấu, thành công hay thất bại. Bên cạnh giải thưởng, mục tiêu cuối cùng là vượt qua chính mình, có thêm kinh nghiệm và học được tinh thần thắng không kiêu, bại không nản”, cô Diệu Linh cho biết.

Quang Minh và Linh Chi nổi trội ở các môn thể thao, nghệ thuật và giành được rất nhiều giải thưởng, từ nhảy múa, trượt băng nghệ thuật, hội họa đến bóng ném, bóng rổ… Theo cô Diệu Linh, chính môi trường Marie Curie đã tạo điều kiện cho hai bạn rèn luyện tốt các năng khiếu này. “Hai con rất thích đến trường. Bởi các con cảm nhận được không khí vui tươi, lành mạnh; phương pháp giáo dục giàu tính nhân văn của thầy cô và các hoạt động ngoại khóa phù hợp, bổ ích ở đây. Văn hoá và phong cách Marie Curie đã và đang được định hình rõ nét trong gia đình mình”, cô Diệu Linh chia sẻ.

Cô kể thêm: “Linh Chi là em gái nhưng rất mạnh mẽ, cương quyết. Ngược lại, Quang Minh là anh nhưng lại rất tình cảm, ấm áp và “ga lăng” với mẹ, em. Có lần, Quang Minh dành dụm tiền lương trợ giảng lớp bóng rổ để mua tặng mẹ một chiếc vòng tay vô cùng dễ thương”.

Điều hai bạn thích nhất ở bố mẹ là gì?

Quang Minh: Bố mẹ hay động viên và theo sát tất cả hoạt động mà tụi mình tham gia. Điều đó tạo động lực rất lớn để hai anh em cố gắng và phát huy khả năng của bản thân.

Linh Chi: Bố mẹ hay đặt mục tiêu cho mình để phấn đấu đạt được. Và mỗi lần đạt được, mẹ đều thưởng gấu bông cho mình.

Theo các bạn, việc học chung trường có những điểm thuận lợi nào?

Quang Minh: Hàng ngày, hai anh em được cùng nhau đến trường rồi tham gia các lớp vẽ, đàn, nhảy. Mình với em Chi nói chuyện rất hợp vì có vô vàn chuyện để kể ở trường, lớp. Em Chi hay vẽ mình rồi gọi đó là “bé Ỉn”. Mình thấy rất vui khi em hay pha trò cười và kể chuyện hài hước.

Linh Chi: Anh Minh thường giúp mình học tiếng Anh và là người “luôn luôn lắng nghe” mọi tâm sự của mình. Anh Minh còn cực kỳ “ga lăng” và quan tâm đến mình nữa. Mình thường chạy qua lớp của anh chơi.

 

“Điều để lại nhiều cảm xúc nhất với chúng mình chính là hình ảnh thầy Hiệu trưởng ra tận cổng chia tay lứa học trò cuối cấp. Học sinh nước mắt như mưa, thầy cũng rưng rưng xúc động. Hình ảnh ấy khiến mình có cảm giác như người cha đang tạm biệt những đứa con rời khỏi vòng tay của mình để đi học xa nhà.

Đã 25 năm trôi qua, trường giờ chuyển về cơ sở mới ở Mỹ Đình khang trang, hiện đại. Nhưng MC luôn là mái nhà tràn ngập tình yêu thương đối với học sinh mỗi khi nhớ về”, thầy Việt Nam và cô Diệu Linh tâm sự.

 

Cặp đôi hài hước lớp P

Chú Hoàng Anh Tú (CHS P, 95 - 98) hiện là Kỹ sư xây dựng; còn cô Nguyễn Bích Hằng (CHS P - G, 95 - 98) là cán bộ dự án quản lý rừng. Hai cô chú đã có mối tình đầu đẹp như mơ ở Marie Curie. Để giờ mỗi khi nhớ về, chú hóm hỉnh nói đùa rằng: “Đối với chúng mình, MC giống như gia đình thứ hai. Cái được lớn nhất mà nhiều người “GATO” là nhờ trường, mình có một gia đình hạnh phúc và những người bạn thân thiết”.

“Môi trường học tập ở MC rất nghiêm túc, thầy trò đều nỗ lực và chăm chỉ. Nhưng khi chơi thì cũng “quậy” lắm! Các giáo viên thực sự tâm huyết và yêu mến học trò. Mình tự hào vì từng là một MCer. Những điều MC mang tới cho mình, ngoài “món nợ người cùng một nhà” còn là những kỷ niệm đẹp tuổi học trò và hành trang để vững bước vào đời”, cô Bích Hằng nói thêm.

Theo lời cô chủ nhiệm cũ Hồng Mai, cặp đôi này thuộc nhóm sáu người (ba nam, ba nữ) chơi thân thiết đến tận bây giờ. Điều thú vị là việc hình thành nhóm này liên quan đến ngày cưới của cô vào tháng 12/1997. “Khi nghe tin mình đi lấy chồng, lập tức cả lớp bàn kế hoạch đưa dâu. Con trai mượn comple, con gái thuê áo dài. Đội hình náo nức như đi trẩy hội, đạp xe dọc cung đường Đội Cấn đến Tràng Tiền. Khi đi qua khách sạn Daewoo, tụi học trò thấy khung cảnh đẹp và lãng mạn quá, liền gõ cửa kính xe dâu để gọi mình xuống chụp ảnh kỷ niệm. Xúc động nhất là lúc dàn trai thanh, gái lịch đứng dọc hai bên ngõ nhỏ, vỗ tay ầm ĩ mừng mình lên xe hoa”, cô Hồng Mai nhớ lại.

Trong ký ức của chú Anh Tú, chuyện tình cảm của hai người hồi đó ngô nghê lắm! “Chúng mình gặp nhau lần đầu vào mùa hè năm 1995 khi cùng ôn thi vào Marie Curie. Hai đứa gần nhà nhau, cách trường bảy cây số, cùng cung đường đến trường nhưng chưa bao giờ bắt chuyện. Hồi ấy, thi vào trường khó lắm! Nhưng vì thích thú với mô hình bán trú nên mình quyết tâm thi bằng được. Đến khi đỗ vào trường, học chung lớp, cả hai mới chơi với nhau. Lớp 10, mình chẳng có ấn tượng gì đặc biệt. Thậm chí lúc đó, mình chỉ nghĩ sao cô ấy ở gần nhà mà chưa gặp bao giờ”, chú Anh Tú kể.

Cô Bích Hằng kể lại ấn tượng về người bạn đời của mình: “Anh ấy da đen nhưng có đôi mắt sáng rực. Mãi đến khi lên đại học, anh mới chính thức tỏ tình bằng cách viết lời của một bài hát thịnh hành hồi đó lên tấm thiệp rồi gửi qua đường bưu điện đến trường mình”.

Tình cảm của cô chú ngày càng sâu đậm khi cùng nhau vượt qua nhiều sóng gió. Cô chú kể rằng, có thời gian chia tay nhưng sau tất cả, hai người lại trở về với nhau. Đến giờ, câu chuyện tình yêu của cô chú vẫn thường được nhiều người nhắc đến. Đặc biệt, nhóm bạn sáu người ngày ấy, 25 năm nay vẫn gắn bó thân thiết và thường tụ tập chia sẻ chuyện trường, chuyện gia đình, chuyện đời…

“Kính thưa thầy Khang,

Em nhớ mãi buổi trưa hôm ấy, khi chúng em mới vào trường học được vài buổi, thầy đã lên nhà ăn, ngồi xuống hỏi từng đứa xem ở đây ăn có được không, các món hợp khẩu vị không, có bị đói không. Hồi đó, em đã nghĩ thầy Hiệu trưởng quan tâm đến học sinh như vậy thì chắc người thầy đó luôn xem học trò như con. Sau ba năm học, em thấy quả đúng như vậy. Những giờ chào cờ nghe thầy phát biểu hay những lúc có cơ hội trò chuyện với thầy, em luôn thấy thầy bao dung và mọi điều thầy làm đều là muốn tốt cho chúng em. Tính hiệu quả của phương pháp giáo dục tiên tiến mà thầy áp dụng đã được chứng minh thông qua các lứa học trò đã ra trường.

Kính thưa cô Mai, cô Phương, thầy Khánh, thầy Nguyên và các thầy cô khác,

Khi ra trường, mỗi lần gặp nhau, tụi em vẫn nhắc đến các thầy cô với những kỷ niệm không thể nào quên. Ngày ấy, lớp học giống như gia đình nhỏ, tràn đầy niềm vui, tiếng cười và tình yêu thương. Đó là hành trang mà chúng em mang theo vào đời, ngoài những con chữ. Em xin chân thành cảm ơn các thầy cô vì những ngày tháng ấy. Kính chúc các thầy cô luôn mạnh khoẻ!”, chú Hoàng Tú và cô Bích Hằng gửi lời nhắn nhủ.

 

Chú có thể chia sẻ cảm nhận của mình khi mối tình thời áo trắng kết thúc có hậu?

Các cụ có câu: “Ở trong chăn mới biết chăn có rận”, yêu nhau mãi mới đến được với nhau đúng là một kỳ tích. Nói không phải ngoa, chứ mình thực sự khâm phục bản thân. Quả thật, sức chịu đựng của con người đúng là không có giới hạn. Hì hì.

Chú có thường xuyên kể về mối tình của cô chú cho hai công chúa nhỏ nghe không ạ?

Thỉnh thoảng, mình vẫn kể cho các con nghe chuyện ngày xưa của bố mẹ. Nhưng kể ít thôi vì hai con còn bé, chưa thể hiểu hết nỗi khổ của bố. Mình chỉ mong hai con sau này có bạn trai thì biết đối xử sao cho hợp tình, hợp lý; chứ đừng để họ phải khổ sở như bố ngày xưa. Hì hì.

27

Tháng 11/2024

TÔI TRƯỞNG THÀNH TỪ MÁI TRƯỜNG MC

TÔI TRƯỞNG THÀNH TỪ MÁI TRƯỜNG MC

TÔI TRƯỞNG THÀNH TỪ MÁI TRƯỜNG MC

Thứ tư, 27 Tháng 11 2024 08:37 Viết bởi TRUONG MARIE
Năm tôi học lớp 5, cũng như các phụ huynh khác, mẹ tất bật tìm hiểu trường cấp 2 cho tôi. Mẹ mong muốn tìm một ngôi trường vừa tốt cho chuyện học vừa tổ chức bán trú để đỡ vất vả lo bữa trưa và quản lý tôi nửa ngày còn lại. Sau thời gian tìm hiểu trường Marie Curie ở Trung Yên, mẹ đã gửi gắm niềm tin và hy vọng lớn lao vào đó.
Xem thêm

23

Tháng 11/2024

LỚP HỌC KHÔNG BIÊN GIỚI: TỰ TIN THUYẾT TRÌNH, KHÁM PHÁ

LỚP HỌC KHÔNG BIÊN GIỚI: TỰ TIN THUYẾT TRÌNH, KHÁM PHÁ

LỚP HỌC KHÔNG BIÊN GIỚI: TỰ TIN THUYẾT TRÌNH, KHÁM PHÁ

Thứ bảy, 23 Tháng 11 2024 11:16 Viết bởi TRUONG MARIE
Với dự án học tập “Classroom Beyond Walls - Lớp học không biên giới”, các MCer khối 4 Oxford - Kiến Hưng đã được thực hiện nghiên cứu khoa học đầy thú vị về chủ đề “Xây dựng tòa nhà chống động đất”.
Xem thêm

22

Tháng 11/2024

MCER THIẾT KẾ TÒA NHÀ CHỊU ĐỘNG ĐẤT

MCER THIẾT KẾ TÒA NHÀ CHỊU ĐỘNG ĐẤT

MCER THIẾT KẾ TÒA NHÀ CHỊU ĐỘNG ĐẤT

Thứ sáu, 22 Tháng 11 2024 08:18 Viết bởi TRUONG MARIE
Chiều 21/11, các MCer khối 4 Oxford đã tổng kết dự án học tập “Classroom Beyond Walls - Lớp học không biên giới”. Tại đây, các bạn đã tham gia nhiều hoạt động thú vị và mang về nhiều phần quà hấp dẫn.
Xem thêm

21

Tháng 11/2024

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

Thứ năm, 21 Tháng 11 2024 08:17 Viết bởi TRUONG MARIE
Hòa chung không khí hân hoan của cả nước hướng tới kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tại hệ thống giáo dục Marie Curie, Hội diễn văn nghệ lần thứ 32 diễn ra sôi nổi với gần 240 tiết mục từ các lớp mầm non đến THPT. Chương trình này cũng là cơ hội để các MCer, thầy cô và bố mẹ được toả sáng trên sân khấu lung linh.
Xem thêm

21

Tháng 11/2024

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

Thứ năm, 21 Tháng 11 2024 08:10 Viết bởi TRUONG MARIE
Sáng 20/11, tại nhà hát Thăng Long - cơ sở Việt Hưng đã diễn ra chương trình tranh giải Đặc biệt và vinh danh các tập thể xuất sắc nhất Hội diễn văn nghệ lần thứ 32.
Xem thêm