Có một ngôi trường đặc biệt như thế

Dù đã ra trường nhiều năm nhưng với các cựu MCer, Marie Curie vẫn luôn là ngôi trường thật đặc biệt.

Càng gần đến ngày kỷ niệm thành lập trường, các cựu học sinh (CHS) lại tíu tít hẹn hò nói chuyện, khiến những ký ức đẹp về mái trường Marie Curie dần hiện về trong mình. Vào những năm cuối 90, đầu 2000, Marie Curie là ngôi trường có vô vàn điều đặc biệt.

Điều đầu tiên là việc thi tuyển vào trường với những dạng toán tư duy logic rất hay và “hóc búa”. Nhưng khi giải được các bài toán ấy, cảm giác vừa vui vừa tự hào như giải được những câu đố khó.

Hồi đó, việc học bán trú khá lạ lẫm đối với học sinh ở Hà Nội. Thời cấp 1, tụi mình chỉ học một buổi/ngày; thế mà vào cấp 2 MC lại được học bán trú với phòng học riêng, phòng ở riêng, nhà ăn riêng nên bạn nào cũng háo hức lắm! Nhờ học bán trú, tụi mình đã học được những bước đầu tiên để tự lập. Ngày ấy, MC thuê địa điểm ở trường Sư phạm mẫu giáo TƯ tại Khương Đình. Để phân biệt với trường khác, Marie Curie dùng tiếng chuông báo hiệu giờ ra - vào lớp và ngủ trưa. Tiếng chuông đó giờ vẫn in sâu trong trí nhớ của mình. Hôm nào mất điện, tiếng chuông được thay bằng tiếng kẻng, cũng độc đáo không kém.

Phòng bán trú như ngôi nhà thứ 2 của tụi mình. Ngày đó, giường tầng chỉ được thấy trong ký túc xá của các anh, chị sinh viên nên khi được cô giới thiệu về phòng bán trú, bạn nào cũng đòi được trèo lên tầng 2 nằm thử. Rồi chúng mình được học cách trang trí, phân công trực nhật. Mình nhớ da diết những buổi trưa ôm nhau ngủ ngon lành mà không ai muốn dậy.

Có một điều lạ là gần như bạn nào học bán trú ở MC cũng tăng cân. Đó là nhờ công rất lớn của nhà ăn trường chế biến nhiều món ngon “không lối thoát”. Đầu giờ học mỗi ngày, có một bạn trong lớp phụ trách đăng ký suất cơm rồi lấy phiếu ăn về phát. Việc lựa chọn trưa nay ăn gì cũng là niềm vui trong mỗi ngày đi học của tụi mình. Ngoài bún, miến, phở, cháo, các món ăn cùng cơm đủ đánh bại bất cứ hàng quán nào. Tụi mình hay gọi là “buffet cơm” vì mỗi ngày có tầm 20 món mặn để lựa chọn. Kể cả những bạn khảnh ăn nhất cũng bảo: “Không hiểu sao ở nhà chẳng muốn ăn mà đến trường, thấy món nào cũng ngon”. Đến giờ, mình vẫn thèm sườn chua ngọt hay bún mọc, phở gà của ngày xưa ấy. Bác Hữu (Quản lý nhà ăn hồi ấy) còn rất hiền và tốt bụng. Thật vui vì giờ đến thăm trường, mình vẫn được gặp bác!

Chắc chắn thời đó, chẳng có trường nào tổ chức cho học sinh đi bơi miễn phí như Marie Curie. Cứ đến hè, vào chiều thứ 2 hằng tuần, xe buýt của trường sẽ đưa học sinh ra bể Thái Hà, bơi lội thỏa thích rồi lại đưa về trường. MC xứng đáng là một trong những trường đi đầu về hoạt động ngoại khóa. Ngoài bơi, còn có giải bóng đá, hoạt động văn nghệ 20/11, thi mâm cỗ Trung thu…

Hoạt động văn nghệ 20/11 cũng đặc biệt lắm! Mỗi lớp đăng ký một số tiết mục để tham dự vòng Sơ khảo, Bán kết và Chung kết. Hai vòng đầu thi tại trường, riêng vòng Chung kết diễn ra ở Cung Văn hóa thiếu nhi. Nhờ phong trào văn nghệ được đầu tư công phu mà rất nhiều học sinh Marie Curie nay trở thành ca sĩ, nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Ấn tượng nhất với mình là chương trình dã ngoại 2 ngày, 1 đêm của trường. Hồi đó chỉ phổ biến đi tham quan một buổi, gần như không có các khu cắm trại, dịch vụ camping chuyên nghiệp như bây giờ nên việc cắm trại qua đêm là sự kiện vô cùng đặc biệt, không chỉ đối với học sinh mà còn cả phụ huynh. Nhờ sự tổ chức chuyên nghiệp của nhà trường, sự tận tâm của các thầy cô mà tụi mình đã có những chuyến đi đầu đời vui đến thế. Xe buýt trường đưa học sinh đến điểm cắm trại. Ở đó, mỗi lớp được dựng sẵn một trại to. Việc đầu tiên mà tụi mình làm sau khi ổn định là trang trí trại lớp thật đẹp để Ban giám khảo chấm và trao giải. Việc ăn uống, tụi mình cũng không phải lo nhiều vì nhà ăn của trường đã chuẩn bị đủ các bữa ăn cho 2 ngày. Sau đó, lớp chia thành các nhóm để tham gia rất nhiều trò chơi như: bịt mắt đập niêu, giải mã mooc, cướp cờ, kéo co, bắt gà… và nhận những giải thưởng, vật phẩm về cho trại mình. Buổi tối thì có cuộc thi nấu cháo gà, hoạt động đốt lửa trại cùng chương trình văn nghệ. Chuyến đi không chỉ vui mà còn dạy cho tụi mình rất nhiều kinh nghiệm về hoạt động tập thể, cách tự lập khi xa nhà.

Để kể về những điều đặc biệt của MC thì còn rất nhiều. Nhưng có một điểm mà bao thế hệ MCer đều đồng lòng là tụi mình may mắn có thầy Hiệu trưởng vô cùng tâm lý. Thầy Khang đã mang tới cho tụi mình rất nhiều trải nghiệm đáng nhớ và là nền tảng rất tốt cho tương lai. Tiếng Anh là môn luôn được chú trọng ở MC. Khi xã hội đang cân nhắc về tầm quan trọng của ngoại ngữ thì tụi mình đã được học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài 2 buổi/tuần. Khi chương trình giải trí ở Hà Nội còn ít hoạt động thì tụi mình được đi xem kịch ở Nhà hát Tuổi trẻ vào dịp Khai giảng hằng năm. Nhờ những trải nghiệm tuyệt vời như thế, mình thấy các MCer ra trường dù làm ngành nghề gì, dù ở nơi đâu thì đều có sự tự tin và lối sống tích cực.

Giống như rất nhiều cựu MCer khác, mình cũng muốn con có được thời học sinh đẹp như thế. Ngay từ khi biết trường mở thêm khối Tiểu học, mình đã rất mong chờ đến lúc con đủ tuổi. 30 năm thành lập trường còn đặc biệt ở chỗ, nhà mình hiện có 2 thế hệ MCer. Thật vui là con mình rất thích đến trường và cũng có những cảm nhận rất đặc biệt với MC! 

Cảm ơn các thầy cô, các cán bộ, nhân viên của trường đã cho bao thế hệ học sinh môi trường học tập tốt như thế! Chúc mọi người luôn mạnh khỏe và hẹn gặp lại ở Gala 30!

QUỲNH TRANG

(CHS G, 00 - 04)

 

Dù đã ra trường nhiều năm nhưng những ấn tượng đặc biệt về Marie Curie vẫn luôn ở trong tâm khảm của mỗi học sinh lớp P1 năm nào. Mình nhớ hồi đó, chúng mình học ở số 3 Trần Quốc Toản. Ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào trường là khoảng sân nhỏ xinh, đứng ngoài hành lang thì có thể nhìn ngắm “crush” dễ dàng. Mình cũng nhớ canteen trường có loại bánh ngọt “thần thánh” mà ai cũng thích mê, suốt ngày phải tranh nhau để được thưởng thức.

Mình nhớ trường có phòng “Lọ Lem - Bạch Tuyết”, mới nghe qua đã thấy rất thích thú và tò mò với cái tên. Mỗi lần học Thể dục là tụi mình lại lên đó thay đồ. Sau khi ra khỏi nơi đó, ai cũng “biến hóa” trong trang phục khác nên căn phòng được gọi là “Lọ Lem - Bạch Tuyết”.

Marie Curie còn đặc biệt từ cô chủ nhiệm đến các giáo viên bộ môn. Thầy cô nào cũng vừa nhiệt huyết trong giảng dạy vừa như người bạn lớn, nhà tâm lý tài ba. Thầy cô luôn sẵn sàng dành thời gian để lắng nghe, chia sẻ cùng học trò về những vấn đề gặp phải trong cuộc sống, cũng như trong học tập.

Ấn tượng đặc biệt nhất của mình còn là hình ảnh thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang. Thầy có vóc dáng nhỏ bé, nét mặt hiền từ, giọng nói ấm áp và rất chu đáo. Có lần trêu đùa cùng bạn, mình bị thương ở ngón tay. Mình xuống phòng Y tế thì gặp thầy ở đó. Thầy ân cần hỏi han và bảo mình băng bó cẩn thận vì bị như thế thì rất đau và xót. Nghe thầy nói, mình thực sự xúc động. Mình cảm thấy, đó như là lời xuýt xoa của người cha dành cho đứa con vậy.

Marie Curie còn đặc biệt trong mình bởi có tập thể P1, nơi mình gắn bó 3 năm. Có thể nói, lớp mình khá đặc biệt so với các lớp khác - mỗi bạn một tính cách. Tụi mình cá tính, khó chiều đến mức trong 3 năm học, cô chủ nhiệm nào vào nhận lớp cũng phải rơi nước mắt khá nhiều lần. Cô Hồng Mai chủ nhiệm lớp mình năm lớp 12, ưu ái dành tặng lớp biệt danh “Chôm chôm”. Bởi theo cô, lớp mình bên ngoài xù xì, thô ráp nhưng bên trong lại ngọt ngào, thú vị.

Mình nhớ hôm chia tay cuối cấp, trời mưa to tầm tã, cô trò tâm sự, xúc động không nói nên lời. Cô Mai đã dành tâm huyết tìm hiểu từng học trò, hiểu rõ tính cách của từng bạn, biết ai đang gặp chuyện gì để giúp tháo gỡ vấn đề. Quả thực, nếu không có những năm tháng ở Marie Curie, có lẽ chúng mình sẽ không được như bây giờ.

Ra trường gần 20 năm, mỗi khi nhắc lại khoảng thời gian ở cơ sở Trần Quốc Toản, cả lớp vẫn nhung nhớ khôn nguôi. Cảm ơn Marie Curie vì đã là một nơi thật đặc biệt để tuổi thanh xuân của chúng mình đi qua thật rực rỡ!

MAI LAN

(CHS P1, 02 - 05)