MCer sử dụng “dế yêu” trong giờ học như thế nào cho đúng?

Thầy trò MC cho rằng, để sử dụng đúng vai trò của điện thoại thông minh vào việc học tập thì cần có sự quản lý của giáo viên và ý thức của học sinh trong giờ học.

Ngày 15/9/2020, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 32/2020/TT - BGDĐT về Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Trong thông tư này có nội dung được dư luận xã hội quan tâm là việc học sinh được sử dụng điện thoại trên lớp.

Theo thông tư, điện thoại thông minh được sử dụng trong giờ học như một “đồ dùng học tập” đối với học sinh, tương tự như máy tính cầm tay, thước kẻ, compa... Khi giáo viên yêu cầu học sinh sử dụng điện thoại truy cập nội dung nào đó trên mạng Internet phục vụ bài học, học sinh mới được dùng. Học sinh không sử dụng điện thoại làm việc khác, ngoài yêu cầu của giáo viên.

“Khác với trước đây, quy định chung chung: học sinh không được sử dụng điện thoại trong giờ học. Quy định như thế không hợp lý, không khai thác được mặt tích cực của phương tiện này (điện thoại) phục vụ học tập. Trong mọi trường hợp, trước đây hoặc sau này (khi Thông tư 32 có hiệu lực), giáo viên vẫn phải “quản lý” học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Thời nay, hầu hết học sinh đều mang theo người một chiếc điện thoại. Không cấm và không thể cấm được việc này. Vấn đề là sử dụng vào việc gì, lúc nào và ở đâu cho phù hợp!”, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang cho biết.

Cô Thái Lê (GV Ngữ văn) cho rằng, nếu dùng đúng mục đích thì sẽ mang lại hiệu quả, tích cực. Bản thân MCer cũng thường xuyên được các thầy cô giao bài tập nhóm, dự án để nâng cao kiến thức, kỹ năng ngoài bài học.

"Tôi nghĩ trước khi áp dụng thông tư này, cần có quy định cụ thể về độ tuổi nào, thời lượng sử dụng ra sao để đem lại hiệu quả. Bởi việc sử dụng đúng mục đích còn phụ thuộc vào học sinh và sự yêu cầu, năng lực giám sát của giáo viên trong tiết học đó”, cô chia sẻ.

Cô Hồng Hà (GV Tiếng Anh) cũng cho rằng, quy định này tuy phù hợp với mục tiêu cuộc sống số, là bước tiến mới trong đổi mới giáo dục nhưng khi áp dụng thực tế, đòi hỏi vai trò quản lý tiết học, khả năng bao quát của giáo viên, cũng như ý thức của học sinh.

Nguyệt Linh (7G2) không mang điện thoại đến lớp. Cô bạn không có thói quen sử dụng điện thoại để giải trí, lướt mạng xã hội..., thay vào đó là tra cứu từ điển tiếng Anh, tìm kiếm kiến thức. Vì thế, cô bạn mong rằng, MCer hãy thật tỉnh táo khi sử dụng điện thoại thông minh để phục vụ việc học.

Trâm Anh (12P2) đã quen với việc không sử dụng điện thoại trong giờ học. Cô bạn nói: “Áp dụng quy định này sẽ có hai mặt. Mặt tích cực sẽ được phát huy nếu các học sinh có ý thức chấp hành yêu cầu của giáo viên trong tiết học đó. Nếu MCer không thể kiểm soát, lợi dụng việc đó để chơi game, giải trí, thay vì phục vụ việc học thì sẽ ảnh hưởng đến bản thân và những người khác”.

Gia Bảo (12I) ban đầu khá ngạc nhiên khi biết quy định này sẽ được áp dụng từ đầu tháng 11/2020. Cậu nói, điều đó mang đến cho học sinh cơ hội chủ động tìm tòi thông tin liên quan đến bài giảng, đào sâu kiến thức, tạo động lực học tập hơn.

“Mình mong rằng, MCer hãy có thái độ tích cực, hưởng ứng đúng mục đích của quy định này. Đồng thời, các thầy cô cũng cần giám sát, quy định cụ thể tiết học nào, thời gian nào cho học sinh sử dụng thiết bị điện tử thông minh trong việc tra cứu thông tin”, Gia Bảo nói.

Xem thêm tại:

https://laodong.vn/video-thoi-su/su-dung-dien-thoai-trong-lop-hoc-sinh-ung-ho-thay-co-ban-khoan-837929.ldo