Mình yêu văn đủ để cười nhiều hơn mỗi ngày lên lớp. Văn chương đã cho mình những điều tích cực, biết mình còn rung động và được yêu. Đáp lại những nụ cười ấy là sự tin yêu của học trò và đồng nghiệp.
Thức dậy một tình yêu
Nhớ những ngày học cấp 1, năm nào, bố mẹ cũng đạp xe gần chục cây số đưa mình đi thi học sinh giỏi. Mình ngồi phía sau, thấp thỏm lo lắng và lẩm nhẩm ôn bài. Ngày đó, mình chưa biết có năng khiếu thực sự về văn chương hay không nhưng vẫn được cô giáo ghi tên vào đội tuyển.
Lên lớp 6, qua lời khen của cô chủ nhiệm và các bạn, mình mới nhận ra, bản thân cũng có chút năng khiếu văn chương. Mình lọt vào đội tuyển học sinh giỏi Văn, được cô giáo ôn luyện một chặng đường dài tới tận lớp 9. Cô bảo mình viết văn không quá bay bổng nhưng sâu sắc. Đến giờ, mình vẫn nhớ như in những giờ ra chơi, cô gọi tới để giảng giải, giao bài ôn luyện.
Năm lớp 9, mình đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện và tiếp tục đi thi cấp tỉnh. Nhớ những buổi chiều, mình lóc cóc đạp xe gần 7 cây số đến trường điểm để luyện thi. Cả tháng học cùng các bạn trường khác khiến mình mở mang nhiều điều. Mình thấy bản thân quá khác ở độ tuổi 15: sáng là Liên đội trưởng năng nổ, hoạt bát ở trường; chiều vẫn là cô học trò đó nhưng thu mình lại để quan sát và lắng nghe nhiều hơn.
Nuôi dưỡng ước mơ
Mình luôn biết ơn vì được sinh ra trong dòng họ có nhiều người làm nghề giáo. Một điều may mắn nữa là các giáo viên chủ nhiệm của mình đều dạy Văn. Những năm cấp 2, cô Vân Anh miệt mài giúp mình luyện cách diễn đạt. Cô Hồng Vân khơi dậy cảm xúc văn chương mãnh liệt trong mình suốt 3 năm cấp 3. Chính cô đã gieo vào tâm hồn mình tình yêu với hồn thơ “tự hát” Xuân Quỳnh: “Em trở về đúng nghĩa trái tim em… Em lo âu trước xa tắp đường mình/ Trái tim đập những điều không thể nói/ Trái tim đập lúc cồn cào cơn đói/ Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn”.
Ngày ấy, lớp mình thuộc ban D, toàn những tâm hồn mộng mị văn chương. Nghe cô giảng bài, đứa nào cũng tốc lực ghi từng câu, từng chữ. Mấy đứa tìm mua được cuốn “Thi nhân Việt Nam” rồi truyền tay nhau đọc miệt mài; thế là lại thêm yêu hồn thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Thạch Lam, Chế Lan Viên… Cô còn hướng dẫn cách ghi sổ tay tư liệu về nghị luận xã hội, nghị luận văn học; khiến chữ nghĩa với mình tròn đầy hơn qua năm tháng.
Ngày đó, bạn Hương cùng lớp có bác ở Hà Nội, thi thoảng được lên chơi và đi mua sách. Mình đã mượn bạn sách “Tổng tập văn học tuổi trẻ” để photo những bài phê bình văn học thật hay. Bạn còn cho mình cuốn “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” bản in đầu tiên, rất đẹp. Đến giờ, mình vẫn nâng niu như “món quà tình bạn” của hai đứa.
Học gần hết lớp 11, mình chưa biết hướng nghiệp là gì thì chính cô Hồng Vân đã gieo niềm tin với câu nói: “Em rất hợp với ngành Sư phạm”. Sau này, mình đã có khoảng thời gian gắn bó với giảng đường khoa Văn trong niềm ngưỡng mộ của các học sinh khóa dưới. Vì cô Vân thường kể cho các lứa sau nghe về những học sinh giỏi mà cô từng dạy. Nhờ thế mà mình có thêm mấy người em thân thiết. Những năm tháng miệt mài ấy làm cho tim mình như “thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.
Tốt nghiệp đại học và chính thức trở thành giáo viên, đôi lúc mình tưởng chừng gục ngã nhưng rồi dặn lòng: khi gặp bão, nếu đại bàng bay xuống thấp thì sẽ bị bão quật ngã nhưng nếu nó mạnh mẽ thì sẽ bay cao và xa.
Trong ngần yêu thương
Mình nhớ lời bố dặn khi bước chân vào nghề: “Con làm thế nào để mỗi bữa ăn trong gia đình của học sinh mà con dạy, mọi người luôn nhắc đến con bằng sự ân tình, trìu mến”. Mình rất thấm câu nói ấy bởi khi có con, mình nhận ra trong hầu hết bữa cơm nhà, các thành viên thường trò chuyện về trường lớp, thầy cô…
Điều khiến mình trăn trở sau nhiều năm đi dạy là 3 từ: truyền cảm hứng. Thật khó để truyền cảm hứng cho ai đó khi bản thân chưa đủ “cảm”, đủ “hứng” như người ta vẫn nói: “Sống đã rồi hãy viết”! Một lần, mình có tiết ở lớp chủ nhiệm. Khi mình đang say sưa đọc mẫu văn bản “Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt” (trích “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng), học trò lơ đãng cười với bạn.
Trong phút hứng chí, mình đã “mô-đi-phê” những xúc cảm câu chữ của tác giả sang chủ thể học trò. Thế là cả lớp được trận cười nghiêng ngả. Mình đọc tiếp, liếc thấy mắt và tai của chúng trực đợi đoạn tiếp theo sẽ được mình sáng tác thế nào. Tự nhiên cả cô và trò thấy đáng yêu hơn hẳn, văn chương thú vị hơn hẳn.
Văn chương vốn dài dòng câu chữ. Nhiều lúc muốn chậm rãi để trò đọc, cảm, thấu mà cái sự gấp gáp của thi cử làm mình cảm thấy tâm lý “ăn xổi, ở thì” choán lấy những suy tư để trở về thực tại. Để trò có hứng thú hơn với tư duy ngôn ngữ, mình mày mò tìm “công thức học văn” cho dễ thuộc, dễ nhớ. Mình đã khởi động tiết học bằng câu chuyện về gam màu hồng - đen của nhóm nhạc Blackpink và mời các con bánh Oreo đúng “vị thần tượng” (nhóm nhạc là đại diện thương hiệu).
Màn khởi động đã đủ hứng khởi để dẫn dắt vào học sơ đồ lập luận trong văn nghị luận bằng kỹ thuật O-R-E-O. “Đấu trường teen” phiên bản MC được thiết kế ngay trong lớp để các học trò M4 thỏa sức tranh biện. Còn gì vui hơn khi cuối giờ, mấy bạn lên bảo: “Cô ơi! Buổi sau, cô lại cho chúng con “cãi nhau” tiếp nhé!”.
Thấy học trò hào hứng, say sưa môn Văn, mình như được tiếp thêm động lực và chợt nhớ tới đoạn trích trong tác phẩm “Đời thừa” của nhà văn Nam Cao: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có…”.
Nhớ năm học trước, khi cho học trò đọc xong truyện cổ tích “Cây khế”, mình gợi ý các con sáng tạo truyện theo nhiều yêu cầu như: thêm tình tiết khác, thêm phần sau cho truyện, kể bằng trí tưởng tượng của mình… Thật thú vị khi Hoàng Minh kể: “Sau khi người anh bị rơi xuống biển, đại bàng quay về báo tin cho người em. Người em tuy giận nhưng vẫn thương anh lắm! Để cứu anh, người em đã không cho cây khế ra quả nữa và trả lại vàng cho chim. Cuối cùng, hai anh em trở về sống hiền hoà bên nhau. Hình ảnh đại bàng và đảo vàng chỉ còn trong trí nhớ…”.
Còn Hồng Tuyển tưởng tượng: “Người anh được ngư dân cứu lên bờ, sau đó liên lạc với người em đến đón về…”. Bỗng có bạn quay sang hỏi: “Liên lạc bằng cách nào nhỉ?”. Tuyển nhanh nhảu trả lời: “Mạng phủ sóng toàn cầu. Gọi điện thoại là ngay lập tức có người đến đón”, khiến cả lớp được trận cười nghiêng ngả trước sự sáng tạo phá cách.
Lên lớp 7, khi học về thơ 4 chữ, 5 chữ, mình cho học trò thi gieo vần giống những bài thơ vui mà trẻ con hay đọc. Kết quả là chuỗi thơ con cóc được “ra lò”: “Giờ học văn/ Chớ lăn tăn/ Bình không chép/ Bình phải phép/ Được cô tha/ Chứ cô la/ Rồi cô ca/ Là hỏng bét…”; “M-anh (Minh Anh) giấu hết/ Chữ đi đâu/ Sợ mưa ngâu…”. Sau tiết học, cô trò phát hiện ra biết bao thi sĩ ẩn dật mang hồn thơ ca. Chính các con cũng tự bất ngờ “bật ngửa” về mình. Nhờ Nội san MCer Link lưu lại bài vè để sau này, khi các thành viên P4 ra trường, cô còn… “ăn mày quá khứ”!
Ve vẻ vè ve
Nghe vè Pê bốn (P4)
Vừa mới vào học
Nhưng rất chăm ngoan
Bài vở sẵn sàng
Gọn gàng, ngăn nắp
Học hành càng giỏi
Bàn ghế tinh tươm
Lớp như vườn ươm
Hiền ngoan, chăm chỉ
Bạn Thái rất cao
Bạn Trí cũng thế
Bằng vai, bằng vế
Nên chơi bóng hay
Bạn An hay nhảy
Bạn An hay ca
Bạn là “thiên thần”
Lớp trưởng chúng ta
Bạn Khuê từ xa
Trông chả thấy rõ
Đến gần mới tỏ
Là gái Lạng Sơn
Bạn Huy chấp chởn
Trong việc học hành
Nhưng cũng rất rành
Về chơi điện tử
Bạn Danh “sư tử”
Nhưng cách ứng xử
Lại rất văn minh
Và rất nhiệt tình
Bạn nào cũng quý
Phẩm chất tinh túy
Đến từ bạn Quyên
Tuy hay luyên thuyên
Nhưng học rất giỏi
Bạn Hải be bé
Tướng mạo xinh xinh
Cũng rất thông minh
Về môn Địa lý
Bạn Ngọc nhảy đẹp
Với lại hát hay
Và cũng hay say
Nhiều chương tiểu thuyết
Bạn Minh hăng hái
Trong giờ Toán học
Nhưng lại nhằn nhọc
Với tiết Ngữ văn
Bạn hay hống hách
Vào sổ đầu bài
Mượn đồ bạn xài
Minh Quân chứ ai
Bạn hay bị trêu
Màu da sẫm tối
Làm sai hay chối
Là bạn Chi “đen”
Người hay lem nhem
Lấm lem hạt cát
Vào học sát giờ
Cầu thủ Dũng đây
Tùng Lâm “lưng thẳng”
Luôn bị nhắc nhở
Hay vẽ vào vở
Cô rất lo âu
Tiếng Anh đơn giản
Chia thì giản đơn
Đáng yêu phát hờn
Anh Khoa “inh-lích”
Rất là Tài lanh
Hỏi đâu đáp đó
Nhưng nói sai chỗ
Nên được “con” 0
Tuy người be bé
Nhưng lại rất nhanh
Đầu óc tinh anh
Mình Giang chấp hết
Sếp của chúng ta
Quản lý cả nhà
Học nhiều chỗ hở
Luôn bị nhắc nhở
Gia Khoa cao lớn
Bảo vệ lớp mình
Lực học bất bình
“Anh chã” của lớp
Cũng là Khoa đây
Nhưng thêm Đăng đấy
Sách vở đủ đầy
Mỗi giày là thiếu
Giọng nói to lớn
Dáng người to cao
Vẽ tốt giải cao
Ngọc Hà thương mến
“Phú bà” Mỹ Anh
Sang Tây đi Pháp
Quà cáp đầy mình
Mang về tặng lớp
Suốt ngày “fi fai”
Tiếng hay lại tốt
Bị trêu học dốt
“Trùm cuối” Phi Tùng
Minh Anh thon thả
Dáng nhỏ hao gầy
Đồ ăn chất đầy
“Bà chủ tạp hóa”
Tính cách hài hước
Mĩm tròn xinh yêu
Thêm chiếc kính xanh
Gia Huy “ê-mon”
“Bà hoàng sờ lây”
Trang trí vở đẹp
Học hành chỉn chu
Thời trang đúng gu
Quỳnh Châu thư ký
Bạn Thành “nhiều tóc”
Tiền của đầy người
Cũng rất hay cười
Khi nhìn bạn An
Điểm cao chót vót
Cầm sổ bài tập
Hay run cầm cập
Khi bị nhắc nhở
Lớp phó Mai Lê
Môn gì cũng được
Làm gì cũng hay
Nhảy hay hội họa
Thủy Chi “cân” hết
Nói điều chí lý
P4 chúng ta
Chả sợ ai cả
Chỉ sợ nản lòng
“Đại ca” Huế Trịnh
Ra tay giúp đỡ
Vớt nỗi lo sợ
Về các đó đây
Dù có việc khó
Ta cũng đứng lên
Dũng cảm hết mình
Mới là Pê bốn (P4)
Vĩ thanh
Mình yêu văn đủ để trái tim rung lên những nhịp rộn ràng khi dạy xong tiết mà học trò hứng thú, cuối giờ hỏi: “Cô ơi! Cô sửa cho con bài thơ này với ạ!”. Đọc thơ của con, chao ôi là những rung động thầm thì tuổi mới lớn, chao ôi là thương yêu! Mình cảm thán đầy xúc cảm như thế để vuốt ve tâm hồn, ru điệu hồn ta thức dậy những miên man để thấy đời thật tươi trẻ, lạc quan. Cuộc sống rất cần thêm “đường” để biết tìm hơi ấm như bàn tay nắm lấy bàn tay trong những ngày rét ngọt. Cũng cần thêm những người bạn tâm giao để đường xa, mình hát khúc thương nhau.
Mình yêu văn đủ để những “ái ngữ” với học trò mỗi tiết Văn thêm đầy lên. Không phải bạn nào cũng yêu thơ văn nhưng chí ít sẽ cảm nhận được tâm hồn của người yêu văn là thế đấy. Mình vẫn tin, như cây bám rễ càng sâu vào lòng đất, mưa dầm thấm lâu, hồn văn chương vì thế mà càng rộng mở đón thương yêu.
Ngày học phổ thông, mình yêu những tiết học của cô chủ nhiệm về chàng thi sĩ Lorca với cây đàn hát ca rong ruổi, về Trương Ba trăn trở sống thật là mình… Lên đại học, những tiết dạy của thầy Chu Văn Sơn đã đánh thức tình yêu chữ nghĩa trong mình; khiến tâm hồn mình như phấn thông vàng gặp gió vi vu thổi, lạc vào những mênh mông thơ văn và cuộc đời.
Nhiều lúc, mình trăn trở về môn Văn, dạy thế nào để khơi dậy cảm xúc, để các con viết được những lời văn bay bổng; dạy thế nào để văn chương thật gần gũi, dung dị, đời thường chính như cái tên “kết nối tri thức với cuộc sống”.
Thế nên, mình lại càng yêu văn hơn…
Cô TRỊNH HUẾ
(GVCN 7P4)