Hào hứng và hiệu quả là đánh giá của cô trò MC khi tổ chức lớp học trực tuyến trong thời gian nghỉ ở nhà để phòng chống Covid - 19.
Cô trò 6I1 đã thực hiện một số buổi học trực tuyến. Tiết học Ngữ văn hôm nay sôi động và thú vị khi cô Ánh Tuyết đưa ra các câu hỏi trắc nghiệm thi xem ai trả lời nhanh sẽ ghi được điểm. Các bạn tương tác rất tốt. Sự tham gia hào hứng của 32 học sinh khiến tiết học trở nên hấp dẫn, cuốn hút. Kết thúc giờ học, cô Ánh Tuyết yêu cầu các học sinh hoàn thành bài tập được giao và chụp lại gửi lên nhóm luôn trong ngày. Sau đó, cô sẽ kiểm tra vở ghi, bài tập của các bạn. Điều này giúp cô theo dõi được quá trình học trực tuyến của học sinh.
9P1 cũng hào hứng không kém khi tham gia học trực tuyến vì hơn 2 tuần chưa gặp nhau. Là giáo viên chủ nhiệm của 9P1, cô Phạm Thủy (GV Tiếng Anh) cho biết, cô cũng gặp chút bỡ ngỡ khi làm quen với phương pháp dạy trực tuyến.
Tuy nhiên, cô cho rằng, để đáp ứng nhu cầu cần thiết cho học sinh trong thời điểm này, bất cứ giáo viên nào cũng cố gắng bắt kịp với việc sử dụng ứng dụng dạy học trực tuyến. Bởi phương pháp này là cách thay thế hữu ích cho việc dạy và học truyền thống trong giai đoạn học sinh nghỉ học bất đắc dĩ. Bởi học sinh được giao lưu với bạn bè, thầy cô; được nghe và nhìn bài giảng trực tiếp; nếu có phần nào không hiểu thì yêu cầu cô giảng lại. Cô trò tương tác nhau rất hiệu quả. Đặc biệt đối với học sinh khối 9 thì cần bổ sung kiến thức thường xuyên để chuẩn bị tốt cho kỳ thi chuyển cấp. Vì thế, việc dạy và học trực tuyến là cần thiết trong thời gian này.
“Phương pháp dạy trực tuyến vừa giúp học sinh hiểu kiến thức vừa mang tới cảm giác vui vẻ. Đối với môn Ngữ văn, mình vẫn truyền tải được sắc thái, giọng điệu và sự truyền cảm khi giảng bài. Tuy nhiên, để tổ chức tiết học hiệu quả, còn phụ thuộc vào ý thức tự giác tham gia của học sinh. Vì thế, giáo viên cần đưa ra ngay từ đầu những quy định trong tiết học. Sau hai buổi học, các bạn đã quen với việc sử dụng phần mềm nên rất nghiêm túc. Các bạn tắt tiếng khi cô giảng, bạn nào muốn phát biểu thì mới bật míc trình bày hoặc nhắn tin bên cột “Chat””, cô Ánh Tuyết chia sẻ.
Cô Phạm Thủy chọn thời gian dạy 90 phút, tương ứng với 2 tiết học truyền thống bởi việc tương tác trên máy tính lâu hơn so với trên lớp. “Có học sinh đáp ứng yêu cầu của thầy cô khá nhanh nhưng có bạn chưa sử dụng thành thạo ứng dụng nên cần thêm thời gian.
Phương pháp này có thể giúp giáo viên truyền tải được bài giảng đầy đủ. Tôi kết hợp đồng thời việc ôn luyện và giảng kiến thức mới; cũng như đưa ra nhiều dạng bài, hình thức kiểm tra để học sinh có thái độ học tập nghiêm túc. Mỗi bài tập, tôi quy định học sinh có 5 - 10 phút để hoàn thành và nộp bài. Sau đó, tôi sẽ chọn hai em trình bày bài làm lên màn hình chung cho cô và cả lớp xem. Việc này giúp tránh tình trạng học sinh bật máy tính, vào lớp nhưng lại không học”, cô Phạm Thủy chia sẻ.
Cô Phạm Vân (GV Toán) cho hay, ban đầu, cô cũng gặp không ít bỡ ngỡ. Ví dụ như: khó kiểm soát việc tập trung nghe giảng của học sinh hay mất ít vài phút đầu giờ để ổn định nề nếp lớp… Nhưng sau khi được tập huấn chi tiết, nắm vững các tính năng thì cô thấy MS Teams cực kỳ hay và lý thú.
“Khi đã nắm vững các công cụ, tính năng trên giao diện thì việc tổ chức dạy trực tuyến khá thú vị, thuận lợi. Qua trải nghiệm thực tế dạy 6M1, 6M3, mình vừa giúp các con ôn lại kiến thức, chữa bài tập, chấm điểm…; lại vừa có thể giảng bài mới, kiểm tra việc ghi chép hay sự tập trung của học trò bằng cách tích cực đặt câu hỏi để gọi các con trả lời. Đây được xem là một hình thức điểm danh. Sau buổi học, mình giao bài tập và yêu cầu các con nộp đúng thời gian quy định”, cô Phạm Vân cho biết.
Theo cô Hồng Hoa (mẹ của Đan Lê, 6I1), CMHS của lớp đã cho các con tiếp cận Microsoft Teams từ tuần trước. Ban đầu, các bạn gặp chút khó khăn, bỡ ngỡ trong việc làm quen các công cụ, thực hiện thao tác trên các tính năng của ứng dụng. Nhưng chỉ sau 10 - 15 phút, các bạn đã sử dụng thành thục và thích thú với cách học này.
Ngay từ buổi đầu, Đan Lê đã hồ hởi đăng nhập để tham gia tiết học. Cô bạn rất vui khi nhìn thấy cô giáo và bạn bè sau hơn hai tuần không gặp. Không chỉ Đan Lê mà các bạn trong lớp cũng háo hức trò chuyện "online" trước khi bắt đầu giờ học.
Đánh giá về những tiết học này, cô Hồng Hoa nói thêm: “Buổi đầu, các con có chút bỡ ngỡ khi làm quen giao diện và tính năng trên ứng dụng. Nhưng sau đó, các con tương tác rất tốt, tích cực trả lời các câu hỏi do cô giáo đưa ra. Học trực tuyến không chỉ giúp giáo viên giao bài tập, chấm điểm, giải thích những phần học sinh chưa hiểu mà còn hỗ trợ cô trò và các con tăng tương tác với nhau. Đan Lê rất thích thú, mong chờ đến buổi học tiếp theo.
Dù không thể thay thế phương pháp dạy - học truyền thống nhưng ở thời điểm bệnh dịch diễn biến phức tạp thì đây là hình thức an toàn, hiệu quả, tiết kiệm thời gian. Vừa có không gian học tập thoải mái, thời gian linh hoạt, lại vừa dễ dàng lưu giữ tài liệu để các con xem lại bài giảng khi cần thiết. Trong quá trình học, mình không cần giám sát vì con học nghiêm túc, hào hứng giống như một tiết học thực sự. Con ghi bài đầy đủ và các bạn có mặt đúng giờ”.
Các thầy cô MC đánh giá cao sự thích nghi nhanh chóng của MCer, cũng như sự đồng hành hỗ trợ các con học trực tuyến của các bậc cha mẹ. “Chúng tôi cũng hồi hộp trước khi triển khai kế hoạch học trực tuyến của nhà trường. Ban đầu cũng lo các con không tương tác được, hay lỗi đường truyền… nhưng giờ, mọi thứ rất hiệu quả. Sau tiết học, các con nói: “Có cô giảng, con hiểu bài nhanh lắm ạ!”, “Gặp lại cô và các bạn, con có động lực học hơn nhiều”, “Không khí sôi động như lớp học thực tế ạ!”… Chúng tôi ủng hộ cách thức học trực tuyến và sẽ hỗ trợ tối đa cho các con để có tiết học tốt nhất”, CMHS 6I1 nói.
Cô Ánh Tuyết cho rằng, phần mềm đã hỗ trợ học sinh rất nhiều. Sau thời gian nghỉ khá dài, cô trò thấy nhau, các bạn được trò chuyện nên tinh thần rất phấn khởi, hào hứng. Nhờ công cụ này mà các cô có thể hướng dẫn học sinh làm phiếu bài tập củng cố kiến thức dễ dàng hơn. Bản thân cô cũng cảm thấy hạnh phúc khi có thể đem lại cho các MCer niềm hứng khởi học tập sau kỳ nghỉ dài.