“Sống xanh”, sống thân thiện với môi trường là những thói quen mà cộng đồng MCer đã và đang thực hiện. Mỗi người một cách nhưng tất cả đều hướng tới lối sống lành mạnh cho bản thân, cho cộng đồng và cho Trái đất.
Năm 2011, tôi có chuyến đi Nhật và Mỹ. Tôi cảm nhận môi trường và bầu không khí ở Mỹ thật tuyệt. Mùa đông rất lạnh nhưng bầu trời xanh và cao. Đường phố sạch, cây cối xanh tươi. Còn ở Nhật, nơi đâu cũng sạch như nhà mình vậy. Thùng rác công cộng xuất hiện khắp nơi và có phân loại rác. Tôi quá ấn tượng, nghĩ tại sao mình và gia đình không góp phần bảo vệ môi trường để mọi người được sống trong bầu không khí trong lành, sạch sẽ.
Từ đó, gia đình tôi hình thành nếp sống thân thiện với môi trường. Chúng tôi hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon, đồ nhựa, đồ cao su. Khi đi siêu thị mua thực phẩm, tôi thường nói các bạn đứng quầy chỉ cần cho một túi duy nhất để đựng đồ. Về nhà, tôi dùng luôn túi đó để đựng rác. Chúng tôi không mua nước lọc đóng chai mà dùng bình lọc, sau đó đun lên, đổ vào bình thuỷ tinh. Đồ đựng thức ăn, tôi dùng hộp sứ hoặc thuỷ tinh, chứ không sử dụng đồ nhựa.
Với mong muốn con trai có ý thức bảo vệ môi trường từ lúc còn bé nên ngoài việc giáo dục bằng lời nói, tôi thường hành động cụ thể như: khi nhìn thấy rác nilon, vỏ hộp sữa, vỏ chai nước... vứt không đúng nơi, tôi liền nhặt cho vào thùng rác. Khi đó, con nhìn thấy và học theo rất nhanh. Tôi luôn nhắc con không vứt rác bừa bãi, phải để rác đúng chỗ quy định. Đặc biệt khi ngồi trên xe ô tô, không được hạ kính, quăng bất cứ thứ gì xuống đường. Từ nhỏ, Hải Đăng đã được dạy việc tiết kiệm điện. Nhà tôi sinh hoạt ở phòng nào thì phòng đó sáng đèn, còn các phòng khác tắt hết điện. Tivi cũng chỉ có một cái ở phòng khách để dùng chung. Mùa hè, cả nhà ngủ chung một phòng điều hoà. Tôi giải thích cho con hiểu, tiết kiệm điện sẽ giúp làm giảm lượng khí thải CO2 gây ra hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường toàn cầu.
Đặc biệt, con được tôi hướng dẫn không vứt túi nilon vào thùng rác mà gom hết lại và cho vào một chiếc túi lớn để phân loại. Cuối tuần, tôi thường giao khoán cho con quét dọn nhà cửa để con ý thức được việc giữ sạch sẽ từ nơi mình sống đến môi trường xã hội. Rồi khi đi cắm trại, ngoài việc dọn rác chỗ mình, chúng tôi còn dọn ở những nơi mà người khác xả ra bừa bãi.
Tôi thiết nghĩ, các bạn nhỏ như tờ giấy trắng. Khi người lớn viết lên đó những điều hay, điều tốt thì chúng ta sẽ nhận được kết quả tốt. Nếu chúng ta không dạy con trẻ về ý thức bảo vệ môi trường thì tương lai, môi trường sẽ huỷ hoại thế hệ con cháu chúng ta. Rất may, gia đình tôi và trường Marie Curie đồng quan điểm. Với bài học ở trường, cộng thêm thói quen của gia đình, tôi tin rằng, các con sẽ biết trân quý môi trường sống và có những hành động vì một hành tinh khỏe mạnh.
Cô NGUYỄN HUỆ
(Mẹ của Hải Đăng, 8P1)
Theo mình hiểu, “sống xanh” là giảm thiểu hoặc chấm dứt những tác động xấu của bản thân đối với môi trường. Con người đang lạm dụng tài nguyên Trái đất để thỏa mãn những tiện nghi của mình. Ví dụ, thay vì tự mang túi dùng nhiều lần để đi chợ, chúng ta lấy túi nilon cho tiện và đỡ phải giặt giũ. Chúng ta không nghĩ tới việc túi nilon mất hàng trăm năm để phân hủy, gây tắc nghẽn cống, trở thành đồ ăn bất đắc dĩ cho động vật hoặc tích trữ vi khuẩn, đến khi phân rã thì thành vi nhựa độc hại, động vật ăn vào rồi ta lại ăn động vật.
Ngoài ra, con người chạy theo xu hướng thời trang để cảm thấy mình đẹp. Quần áo mua về 10 món nhưng chỉ mặc một món và không hề hay biết để sản xuất ra một bộ đồ như vậy tốn bao nhiêu là nước, điện… Đó là một sự lãng phí. Chưa kể quần áo không mặc tới xả ra môi trường mà không xử lý được, lại dồn ứ thành rác. Tài nguyên và môi trường Trái đất là hữu hạn, nếu con người cứ nhắm mắt thỏa mãn và nuông chiều sự tiện lợi cho bản thân thì hậu quả rất thảm khốc. Thử tưởng tượng, 7 tỷ người có cùng suy nghĩ: “Chỉ một chiếc túi/ống hút/cái áo thôi mà!”, Trái đất sẽ chìm trong rác và chất độc hại!
Mình bắt đầu ý thức về việc “sống xanh” vào hè 2015. Hà Nội từ lâu đã rất ô nhiễm do sự phát triển đô thị quá nhanh, khiến thành phố ngập trong bụi, bê tông cốt thép, kèm theo ít cây xanh nên mùa hè nóng như lò nung, rất ngột ngạt. Do đó, khi có chính sách thay thế hàng loạt cây xanh, người dân rất lo ngại. Ngày ấy, mình tham gia dự án đếm, ghi chú lại số lượng cây xanh rồi tổng hợp số lượng cây còn sống khỏe hay đã hỏng để mọi người tập hợp thành văn bản trình lên thành phố xem xét. Mình còn cùng nhiều người tuần hành quanh hồ Thiền Quang để bày tỏ quan điểm bảo vệ cây. Bởi cây xanh là nhà máy lọc không khí miễn phí cho chúng ta; khi chúng ta chết, cây vẫn sống nhưng khi cây chết, chúng ta sẽ chết dần.
Mọi sự thay đổi đến từ chính bạn nên mình bắt đầu với những hành động nhỏ như: không dùng túi nilon, ống hút nhựa; tiết kiệm nước, điện và hạn chế dùng điều hòa. Vì điều hòa tỏa khí làm nóng Trái đất, tan băng các cực, dẫn tới ngập lụt và các thành phố biển sẽ biến mất. Mình cũng hạn chế mua quần áo, giày dép nếu thực sự không cần thiết. Ngày còn đi học, mình khá quan tâm tới thời trang do lo sợ bị lỗi mốt và bị người khác đánh giá nhưng giờ, mình đã nghĩ khác. Người ta sẽ không đánh giá bạn qua quần áo mà sẽ chú ý đến nhân cách, năng lực của bạn. Bạn chỉ cần ăn mặc chỉn chu, sạch sẽ; chứ không cần phải “trendy”. Mình cũng không mua các bình sữa tắm mà chuyển sang dùng xà phòng ở các cửa hàng cho “refill”. Mình còn biến Facebook cá nhân thành nơi chia sẻ thông tin về môi trường để bạn bè nhận thức rõ hơn về vấn đề này. Ngoài ra, mình tổ chức một số buổi chia sẻ về tác hại của lối sống công nghiệp, sử dụng đồ nhựa cho đồng nghiệp.
Nhớ lại quãng thời gian du học Singapore trước đó, mình thấy người dân rất có ý thức phân loại rác tại nguồn để giúp tái chế hiệu quả. Họ sử dụng công nghệ lọc nhằm tái sử dụng nước thải sinh hoạt và trước khi đưa ra sông suối, dòng nước này sẽ phải trải qua rất nhiều màng lọc để không hủy hoại môi trường. Học sinh tới tham quan các khu công nghiệp và được dạy rất kỹ về việc tiết kiệm điện, nước. Ở Singapore, mọi góc phố đều có cây xanh và phần lớn người dân sử dụng phương tiện công cộng hoặc đi bộ.
Còn ở New Zealand, người dân sống thuận tự nhiên. Các trung tâm siêu thị đóng cửa sớm. Nhiều gia đình tự cung, tự cấp bằng cách trồng rau tại nhà nên không có lượng thuốc trừ sâu khổng lồ thải ra môi trường. Họ thường dành thời gian đi dạo, hòa mình vào thiên nhiên, thay vì đến các quán trà sữa hoặc trung tâm mua sắm.
Mình nghĩ rằng, vấn nạn rác thải, ô nhiễm môi trường không chỉ của riêng nước nào mà là báo động đỏ cho toàn thế giới. Vì vậy, nếu mỗi người trong chúng ta có ý thức bảo vệ hơn thì chắc chắn, môi trường sẽ xanh, sạch, đẹp hơn.
NGỌC NAM
(CHS, 99 - 04)
Tôi vẫn nhớ lần đi du lịch El Nido, Philippines. Mỗi nơi tôi đến, mỗi nơi tôi qua đều là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, dung dị, lãng mạn và hoang sơ. Càng đắm say cảnh đẹp của biển đảo nơi đây, tôi càng cảm phục cách người dân yêu mến và giữ gìn “kho báu” của họ.
Trên bãi biển, tôi không thấy một mảnh rác, một chiếc túi nilon hay một dấu vết của rác thải công nghiệp. Trên bãi biển, chỉ có cát trắng mịn, vách đá, rừng cây và những căn nhà được làm từ chất liệu tự nhiên ẩn mình sau những hàng dừa xanh. Trong suốt những ngày la cà thị trấn El Nido, khi uống cốc chanh tươi tại quán nhỏ lợp lá dừa hay dùng cốc bia trong một nhà hàng nhìn ra biển, tôi thấy mọi người đều dùng ống hút giấy bởi nơi đây cam kết “Say no to plastic straw”. Đôi khi ghé chân tại một quầy hàng lưu niệm hay dạo qua khu chợ địa phương, những món đồ mua về đều được gói ghém cẩn thận trong những chiếc túi làm bằng giấy tái chế. Tôi cảm thấy vô cùng thú vị khi dừng chân tại một quán nhỏ ven đường, ngay trước cửa ra vào là ba thùng đựng rác được làm từ thùng sơn cũ. Tuy không đánh dấu để phân biệt chức năng của từng thùng nhưng khi đến gần để vứt vỏ kem, tôi thấy rác đã được phân loại một cách rõ ràng. Tôi thầm cảm phục những con người giản dị, mộc mạc ở một miền quê hẻo lánh nhưng đã biết đối xử văn minh với môi trường sống của mình.
Mỗi chuyến đi khiến tôi thêm hiểu rằng, mình càng phải “sống xanh” nhiều hơn. Tôi yêu cái đẹp, trân trọng đất mẹ thiên nhiên nên luôn sử dụng mọi thứ thân thiện với môi trường. Tôi không mua những sản phẩm dùng một lần mà dùng túi vải, túi cói để đi làm, đi chợ; mang theo bình nước cá nhân khi lên lớp... Thói quen “sống xanh” của tôi đã lan tỏa tới những học trò. Các con không chỉ làm theo mà còn tham gia, tổ chức rất nhiều hoạt động bảo vệ môi trường. Sở dĩ chúng tôi thực hiện điều đó bởi chúng tôi biết rõ, chỉ có con người mới quyết định được thiên nhiên sẽ tươi đẹp, đối xử hiền dịu với mình hay sẽ xấu xí, nổi giận với chúng ta mà thôi.
Cô PHƯƠNG NGA
(GV Toán)
Từ cấp 2, mình đã có thói quen bỏ rác vào túi quần, túi áo, cặp sách khi chưa tìm được nơi vứt. Lớn thêm chút nữa, mình bắt đầu tìm hiểu về ô nhiễm môi trường qua mạng Internet và cảm thấy rất muốn được tham gia các chương trình liên quan tới vấn đề này.
Thực ra, thế giới chúng ta đang sống vốn không hề “xanh” chút nào. Từ việc đi xe máy, xe hơi đến dùng điều hòa... đều góp phần khiến Trái đất nóng lên. Tuy nhiên, mình vẫn theo đuổi quan điểm “xanh hơn được chút nào thì hay chút đấy”. Mình cố gắng thay thế những sản phẩm nhựa dùng một lần trong cuộc sống hàng ngày tới mức tối đa. Mình luôn đem theo bình để mua trà sữa, nước uống thay vì dùng cốc nhựa; dùng ống hút inox thay vì ống hút nhựa; mang túi vải để đi mua đồ trong siêu thị... Mình không quên động viên bạn bè, người thân thực hiện lối sống này vì mình luôn tin rằng, “nhiều hành động nhỏ sẽ tạo nên một làn sóng lớn”.
Mình may mắn được tham gia nhiều chương trình quốc tế về môi trường và các mục tiêu phát triển bền vững. Lần đầu tham dự chương trình tại Philippines, mình đã cùng nhóm khảo sát một ngôi làng nhỏ về những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu mà người dân gặp phải, từ đó đề ra một bản kế hoạch cụ thể để giải quyết. Khi tham gia các diễn đàn, hội nghị, mình có cơ hội gặp gỡ rất nhiều chuyên gia nghiên cứu về ô nhiễm môi trường, ô nhiễm đại dương, biến đổi khí hậu... Họ đều là những người đang hoạt động và đấu tranh không ngừng nghỉ cho sức khỏe của đại dương và cả Trái đất. Ngoài những kiến thức quý báu và kinh nghiệm thực tiễn học hỏi được, điều đọng lại sâu đậm nhất trong mình chính là tình yêu của các bạn trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới dành cho môi trường. Tháng 7 vừa qua, mình có cơ hội tham gia hội nghị Quốc tế về Giới trẻ, Đại dương và Mục tiêu phát triển bền vững lần thứ 14 tại Melaka, Malaysia. Tại đây, chúng mình đã cùng nhau tham gia hoạt động làm sạch bờ biển. Các bạn còn dạy mình cách phân loại rác vô cùng chi tiết. Trước đó, mình nghĩ bản thân đã biết cách phân loại nhưng tới khi bắt tay vào làm, mình mới thấy không hề dễ chút nào. Ví dụ, một số túi nilon tuy rất bẩn nhưng độ dẻo dai vẫn khá tốt thì có thể tái chế thành những hạt nhựa nhỏ để làm ra chiếc túi khác. Sau khi trò chuyện, mình biết được các bạn quốc tế thường xuyên thực hiện các hoạt động dọn rác và tái chế tại quốc gia của họ. Mình vẫn nhớ ngày cả đoàn đi chơi với nhau trên phố, các bạn không ngần ngại nhặt những mẩu rác vương vãi trên đường và bỏ vào các thùng rác phân loại.
Mình nhận thấy, ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm tới vấn đề môi trường và đã làm được những điều thật sự có ích. Tuy số lượng này vô cùng nhỏ so với hàng triệu người không hề quan tâm nhưng như ai đó đã từng nói, một cánh én không thể làm nên mùa xuân nhưng lại là báo hiệu cho một mùa xuân đang về.
MẪN LINH
(CHS P, 09 - 13)
Những gợi ý “sống xanh” cực “chất” Phân loại rác tại nguồn: Hành động này tuy nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa cực kỳ lớn, MCer hoàn toàn có thể thực hiện được. Trong sân trường, nhà ăn hay các dãy hành lang, các bạn để ý sẽ thấy, nhà trường đã lắp đặt những thùng phân loại rác hữu cơ và rác vô cơ. Vì vậy, các bạn hãy dành thời gian quan sát để bỏ rác đúng vị trí nhé! Rác hữu cơ gồm thức ăn thừa, rau củ quả…; rác vô cơ là những chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế như: túi nilon, chai lọ nhựa, vỏ hộp sữa, chai thủy tinh, giấy… Ngoài ra khi ở nhà, các bạn có thể cùng gia đình phân loại thêm những rác thải nguy hại như: pin, các thiết bị điện tử... Tắt các thiết bị khi không sử dụng: Việc sử dụng điện, nước ở mức phù hợp cũng góp phần bảo vệ môi trường. Dù ở nhà hay ở trường, MCer hãy nhớ tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng. Các bạn cũng đừng quên tắt vòi nước khi không sử dụng nhé! Bởi nước và điện là những tài nguyên hữu hạn. Trong khi mình lãng phí điện, nước thì ở đâu đó trong thành phố này, đất nước này và Trái đất này, nhiều người lại không có nước sạch để uống, không có điện để dùng. Tặng cây xanh, đồ tái chế: Một chậu cây nhỏ sẽ góp phần làm cho góc học tập của bạn trở nên trong lành, xanh tươi hơn. Đồng thời khi được tặng cây xanh, người nhận sẽ có thêm niềm vui mới là chăm sóc và nhìn thấy cây lớn lên từng ngày. Còn với đồ tái chế, bạn có thể thỏa sức sáng tạo những món quà “độc nhất, vô nhị” để tặng người thân, bạn bè. Đảm bảo ai cũng sẽ xúc động khi được đón nhận món quà kỳ công và đầy tâm huyết của bạn. Hạn chế dùng đồ nhựa, túi nilon: Bạn có thể dễ dàng thực hiện điều này bằng cách không bọc sách vở bằng nilon, nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần... “Cũ người, mới ta”: Những bộ trang phục, giày dép, sách truyện… của bạn sẽ là những món đồ mới với người khác. Việc chúng ta trao đổi cho nhau những món đồ đó cũng là cách bảo vệ môi trường. Thử tưởng tượng, nếu một người thải ra môi trường ít nhất hai bộ quần áo/năm thì với hơn 7 tỷ người trên thế giới, con số sẽ khủng khiếp như thế nào! Nhưng khi chúng ta trao đổi với nhau, lượng rác thải ra môi trường hàng năm sẽ giảm đi rất nhiều. Tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường: Hiện có rất nhiều chương trình mà chúng mình có thể tham gia. Chỉ cần lên Google tìm kiếm, bạn sẽ có ngay những kết quả phù hợp. Chẳng hạn vào thứ 7 và Chủ nhật cuối cùng mỗi tháng, Green Life - một tổ chức do các sinh viên ĐH Bách khoa (Hà Nội) sáng lập sẽ tiến hành đổi giấy, các loại rác có thể tái sử dụng và rác thải nguy hiểm... để lấy cây xanh. Bạn chỉ cần vào Facebook hoặc Google gõ từ khóa “Green life - đổi giấy lấy cây” là tìm thấy thông tin liền. |