Trong tiết Khoa học tự nhiên, các "cư dân" khối 6 thích thú khi được quan sát một số loại tế bào thông qua kính hiển vi ở phòng thí nghiệm.
Theo cô Vũ Bích (GV KHTN), tế bào có rất nhiều loại với hình dạng, kích thước khác nhau. Có những tế bào lớn, dễ dàng quan sát bằng mắt thường như: tép cam, tép bưởi. Trong khi đó, một số tế bào rất nhỏ, chỉ có thể quan sát bằng kính hiển vi như: gan chuột bổ dọc, thân cây hoa huệ trắng, máu ếch...
Qua tiết thực hành, các học sinh không chỉ biết được kích thước, cấu tạo của từng tế bào mà còn phân biệt sự giống, khác nhau giữa tế bào thực vật và động vật. Nhờ đó, các bạn lý giải được tại sao chạm tay vào lớp vỏ của cây thì thấy thô, cứng; còn với miếng thịt gà lại có cảm giác mềm, mịn.
Khánh Ngọc (6G5) nói: “Thế giới này thật kỳ diệu, mọi sinh vật sống đều được bắt đầu từ tế bào. Dưới kính hiển vi, tớ nhận biết được nhiều loại tế bào, ngay cả những loại bé xíu. Tớ còn quan sát rất rõ nét phần nhân của tế bào máu ếch, thật thú vị!”.
“Cảm giác lần đầu học tại phòng thí nghiệm mới thích thú làm sao! Mình có thêm trải nghiệm lý thú, bổ ích, nhất là khi khám phá “thế giới tí hon” mà mắt thường khó thấy được. Những tiết học thực tế như vậy càng làm mình thêm yêu môn học hơn”, Thanh Lam (6M6) chia sẻ.
Cô Vũ Bích, Ngọc Khanh (GV KHTN) bày tỏ: “Cảm ơn nhà trường đã cho các thầy cô một không gian để thỏa sức sáng tạo và cho học sinh “học đi đôi với hành”! Nhiều con òa lên khi thấy kính hiển vi và được tận mắt quan sát các tế bào. Nhìn các con say sưa, háo hức trải nghiệm kính hiển vi để nhìn những tế bào nhỏ bé rồi thích thú kể cho nhau nghe về hình dạng của chúng, chúng tôi càng có thêm động lực giảng dạy hơn”.