“Nhìn đểu” trong mắt một “giang hồ nhí”
Bảo N (trường H, Q.10) năm nay chỉ mới học lớp 9 nhưng từng có một quá khứ với "thành tích" đánh lộn ì xèo.
“Nữ giang hồ nhí” phân tích: “Nhìn đểu là sao ư? Cứ tưởng tượng một bạn nào đó liếc nhìn mình, mặt hếch lên, tức không chịu được thì phải “xử” nó thôi…”.
Bảo N kể thêm: Thời gian gần đây học sinh đánh nhau tưng bừng vì “nhìn đểu” xảy ra như cơm bữa.
Chỉ mới đây thôi một học sinh nam trong lớp của N đi mua nước uống thì gặp một bạn trai trường gần đó cũng đứng chờ mua bên cạnh cứ liếc nhìn mình nên nổi đóa lên hỏi: “Mày nhìn cái gì mà nhìn!" rồi cởi dép tẩn vô mặt kẻ “nhìn đểu” đến vêu cả mỏ phải bỏ chạy…
Kẻ "bại trận" chẳng phải tay vừa, hôm sau lập tức kêu “băng nhóm” cả chục tên đến trường H để trả thù. Một trận hỗn chiến tưng bừng có sử dụng hung khí làm náo loạn cả một khu vực.
Cũng may là bảo vệ khu phố và các anh công an đến kịp nếu không hậu quả khó lường đã xảy ra chứ không phải chỉ là tét đầu, sưng mặt.
Không ít vụ xô xát, đánh nhau của học sinh xuất phát từ lí do "nhìn đểu".
Bảo N thừa nhận, ngày trước bạn rất hay nổi nóng, nhiều khi vì chỉ vì lí do vu vơ nào đó làm “khó ở” trong người thì rất có thể sau đó sẽ có một bạn nào đó vô tình nhìn không thân thiện nhừ đòn ngay.
Bạn thừa nhận, một bộ phận học trò cá biệt ngày nay có “máu anh hùng rơm” muốn thể hiện đẳng-cấp-số -má trong mắt bạn bè nên đụng ai cũng muốn đánh.
Bảo N hiến kế: “Tốt nhất là các bạn đừng bao giờ liếc nhìn ai có vẻ săm soi. Nếu ai đó nhìn mình thiếu thiện cảm thì hãy tránh đi, còn tệ hơn khi bị hỏi “Mày nhìn gì vậy?” hay “Mày nhìn đểu tao hả” thì cứ nói “Đâu có đâu bạn, tại mình thấy bạn giống một người bạn cũ của mình thôi mà…”.
Với cách ứng xử nhẹ nhàng và cũng rất “nhạy bén” này, cô bạn “giang hồ gác kiếm” của chúng mình bảo đảm sẽ chẳng có vụ việc gì nghiêm trọng xảy ra tiếp theo, thậm chí có khi kẻ thích gây sự kia biết đâu sau này lại có cảm tình với mình hơn…
Kĩ năng “hạ hỏa”
Chuyên gia tâm lí, GS.TS Vũ Gia Hiền phân tích: “Có thể nói “nhìn đểu” là một kiểu thách đố khinh miệt kẻ bị nhìn, làm cho trạng thái thần kinh mất kiểm soát.
Ở người lớn ít có ánh mắt này nhờ triết lý sống “vì người, vì mình”, “gieo gió ắt gặt bão” …, còn ở tuổi teen thì sự “dương oai”, “múa võ” rất dễ xảy ra, cho nên chỉ một ánh mắt “nhìn đểu” là sẵn sàng biến thành trận “hỗn chiến” như loài dã thú vẫn làm.
Cũng vì tuổi teen muốn chứng tỏ mình và ai cũng muốn khẳng định nên không ai nhịn ai mà ra nông nổi của sự tai họa như nhiều cuộc “nhìn đểu” và “hỗn chiến” xảy ra trong tuổi học trò hiện nay đến mức đáng báo động .
Phân tích trên cho thấy “nhìn đểu” là hiện tượng “thú tính” và người bị nhìn cũng lại “thú tính”, bởi lẽ người còn được gọi là con người.
Nếu tính người cao, người ta kiểm soát được phần “con”, giúp cho phần người vượt lên, còn ai đó phần con quá to sẽ lấn át phần người mà bộc lộ bản năng “con” nhiều hơn “người”.
Theo nguyên lý này tuổi teen cần hiểu “nhìn đểu” là kiểu nhìn “động vật” của phần “con” trong người họ. Còn người phản ứng khi bị nhìn “đểu” bằng bạo lực (đánh nhau bằng sức, bằng vũ khí) cũng là người có nhiều “tính động vật”.
Người biết sống là người tôn trọng người khác, hoặc khi bị “nhìn đểu” thì hiểu ngay kẻ nhìn chỉ là “người bậc thấp” nên tránh đi. Người xưa nói “tránh voi chẳng xấu mặt nào” có ý như vậy.
Khi bạn bị “nhìn đểu” thì nên tránh ánh mắt của mình đi nơi khác, vì nhìn lâu có thể bị “thôi miên” và hóc-môn “uất ức” gia tăng thì rất nguy hiểm. Khi bị “nhìn đểu” (sự kích động đánh nhau) nên nuốt nước bọt cho khô miệng, tránh nhổ nước bọt, đồng thời thả lỏng thân thể mình xuống và thở thật chậm, kiểm soát hơi thở cũng như tâm trí “hiếu thắng” để khỏi đụng vào “voi”; còn ai đấy hay “nhìn đểu” cũng dễ thành thói quen và sẽ dẫn đến “oán trả oán” không mấy hồi. “Nhìn đểu” còn mất đi một năng lượng tâm thần thị giác mà có thể dẫn đến “ngông cuồng” và nghiện ngập do thiếu hụt năng lượng thần kinh. Nói chung “nhìn đểu” là sự có hại và “phản ứng nhìn đểu” bằng “bạo lực” còn có hại hơn. Bằng chứng là rất nhiều trường hợp bạn trẻ đã đánh mất tương lai lẽ ra tươi sáng cũng chỉ vì cơn nóng giận vu vơ bộc phát… Chuyên gia tâm lí – GS.TS Vũ Gia Hiền |
Theo Mực tím